Thể thao Hà Nội năm 2016: Chờ tấm huy chương Olympic đầu tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài chục năm gần đây, thể thao Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước nhưng vẫn mang đầy trăn trở bởi chưa thực sự mạnh ở các môn Olympic. Tuy nhiên, thành công tại SEA Games 28 và 2 chiếc HCV châu lục ở môn Cử tạ nữ giúp thể thao Thủ đô tràn đầy lạc quan hướng đến mục tiêu lần đầu tiên giành huy chương ở một kỳ Olympic.

Từ một kỳ SEA Games thành công…

Thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thể thao Thủ đô. Hà Nội góp mặt tới 111 trong tổng số 392 vận động viên (VĐV), chiếm gần 30% VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam. Hà Nội cũng góp mặt ở 23 trong 28 môn thi đấu mà thể thao Việt Nam tham dự. Tại SEA Games 28, thể thao Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò chủ lực, giành tổng cộng 68 trong 186 huy chương, bao gồm 25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ, đạt tỷ lệ đóng góp lên tới 34,25% tổng số HCV của Đoàn thể thao Việt Nam. Cũng tại SEA Games 28, thể thao Hà Nội đã vượt qua chính mình với tỷ lệ tăng 4,24% số HCV so với kỳ Đại hội trước.
 Vương Thị Huyền (áo xanh bên trái) đang được coi là viên ngọc quý của thể thao Thủ đô.
Vương Thị Huyền (áo xanh bên trái) đang được coi là viên ngọc quý của thể thao Thủ đô.
Đặc biệt, nếu SEA Games 28 được xem là SEA Games thành công nhất trong lịch sử của thể thao Việt Nam với sự tỏa sáng của các môn Olympic, đóng góp 64/73 HCV, chiếm tỷ lệ 87,7% thì đây cũng là SEA Games thành công của các môn Olympic thuộc thể thao Hà Nội. 

Sự thành công của các môn Olympic cũng giúp cho thể thao Thủ đô khỏi mang tiếng là chỉ mạnh ở những môn tại đấu trường khu vực, và cho thấy tín hiệu vui trên con đường cùng thể thao Việt Nam hòa mình ra biển lớn. Bên cạnh đó, các môn thế mạnh truyền thống của Thủ đô tiếp tục được phát huy, như Wushu: 2 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, các VĐV môn Bóng bàn, Pencak Silat, Cầu mây, Bóng đá, Canoeing, Billiard snookers… đều góp nhiều HCB, HCĐ.

Thể thao Hà Nội vừa tôn vinh 15 gương mặt tiêu biểu trong năm 2015, trong đó có Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Thu Thảo (Điền kinh), Dương Thúy Vi (Wushu), Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung (Đấu kiếm), Hà Thị Nguyên (Taekwondo), Hoàng Quang Trung (Pencak Silat)... Trong 15 VĐV tiêu biểu có tới 13 VĐV thuộc các môn Olympic, và đó là tín hiệu mừng trong việc tấn công vào đấu trường Olympic của thể thao Thủ đô. Hà Nội đặt chỉ tiêu giành từ 6 - 10 suất giành vé chính thức dự Olympic 2016, tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) vào tháng 8 tới, và nhìn vào những gương mặt triển vọng, người ta có thể tin tưởng.

Đến mục tiêu huy chương Olympic 

Dù luôn giữ vai trò đầu tàu nhưng thể thao Thủ đô vẫn đầy trăn trở. Bởi ngoài Hà Thanh, Phước Hưng, Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ) trong mấy năm qua, Hà Nội vẫn chưa giới thiệu thêm được gương mặt nổi trội ở các môn Olympic. Tuy nhiên, năm 2015, với sự xuất hiện của đô cử Vương Thị Huyền, thể thao Thủ đô đã có thể tự hào.
Phạm Phước Hưng (bên trái), Đinh Phương Thành đã giúp cho thể thao Hà Nội có một SEA Games thành công.    Ảnh: Tuấn Tú
Phạm Phước Hưng (bên trái), Đinh Phương Thành đã giúp cho thể thao Hà Nội có một SEA Games thành công. Ảnh: Tuấn Tú
Huyền đã đi vào lịch sử của Cử tạ nữ Việt Nam với tư cách là VĐV đầu tiên mang về 2 tấm HCV châu lục. Năm 2014, Huyền phá kỷ lục Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc với thành tích tổng cử 181kg, hơn mức cũ 5kg và đến tháng 9/2015, cô đã đoạt 2 HCV giải Cử tạ vô địch châu Á (cử giật và tổng cử) hạng cân 48kg nữ. Chỉ sau đó 2 tháng, Huyền tiếp tục giành 2 HCB, 1 HCĐ tại Giải Cử tạ vô địch thế giới với thành tích HCB ở nội dung cử giật (85kg), HCĐ cử đẩy (109kg) và HCB tổng cử (194 kg). Lúc này, Huyền được coi là viên ngọc quý của thể thao Thủ đô. Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục Thể dục Thể thao Đỗ Đình Kháng đánh giá, cơ hội giành huy chương Olympic của Huyền là rất sáng nếu cô tiếp tục đà tiến vũ bão thời gian qua. Theo ông Kháng, Huyền cần được đầu tư cao độ trong thời gian tới để trước mắt giành vé dự Olympic 2016 qua các giải đấu vòng loại và tiến đến mục tiêu lọt vào top 3 hạng cân 48kg nữ.

Mức tổng cử 194kg của Huyền vượt mức HCĐ Olympic 2012 tới 2kg và chỉ kém 3kg so với tấm HCB của Hiromi Miyake (Nhật Bản) - người đã bị chính Huyền vượt qua ở giải vô địch thế giới 2015. Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc nhiều khả năng chiếm HCV nội dung này với hàng loạt nữ lực sĩ đạt thành tích vượt trội như: Jiang Huihua (205kg), Huo Jihui (204kg), Tan Yayun (199kg)… Cơ hội cho Huyền là không nhỏ, vấn đề chỉ phụ thuộc vào sự chuẩn bị trong giai đoạn nước rút trước Olympic để làm sao Huyền đạt được thông số tốt nhất trên đất Brazil. Nếu Huyền đứng trong top 3 hạng cân 48kg nữ ở Olympic 2016, thể thao Hà Nội sẽ đạt cột mốc lịch sử trong năm Bính Thân.
Theo bà Hoàng Kim Cúc - người có công gây dựng môn cử tạ Hà Nội và huấn luyện Vương Thị Huyền, từ ngày bỡ ngỡ bước chân vào đội tuyển Cử tạ Hà Nội thì cô gái 24 tuổi đến với cử tạ một cách tình cờ, được tuyển lên đội tuyển Cử tạ Hà Nội khi đang học… lớp võ cổ truyền ở huyện. Cùng một nhóm nữa khăn gói lên đường, nhưng cuối cùng chỉ có Huyền chịu được sự khắc nghiệt của môn thể thao nặng nhọc này và ở lại. Đến với cử tạ khá muộn vào năm 2008 nhưng nhờ có tố chất và những nỗ lực, cô gái này đã kịp ghi dấu ấn ở các giải trẻ quốc gia và rồi sau đó tỏa sáng khi khoác áo đội tuyển quốc gia.