Thể thao và bài toán “xây móng”

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2016 là năm đại thành công của thể thao Việt Nam. Bóng đá có 2 đại diện vào World Cup. Thể thao đỉnh cao lập kỷ lục Thế vận hội 2016 nhờ sự chói sáng của Hoàng Xuân Vinh.

Và lần đầu tiên Việt Nam có HCV bơi lội châu Á. Nhưng, làm sao để có được sự phát triển bền vững đang là bài toán với ngành thể thao.

Đi tắt đón đầu

Thành công của thể thao Việt Nam thời gian gần đây xuất phát từ chiến lược đào tạo “gà nòi” trong một thời gian dài. Có khoảng 50 vận động viên (VĐV) tài năng nhất của những môn thể thao trọng điểm đã được quy hoạch, đầu tư với mục tiêu giành vàng châu lục và thế giới. Được quy hoạch vào nhóm "gà nòi", các VĐV được hưởng chế độ đặc biệt hơn. Họ có chế độ ăn, tiền công tập luyện cao hơn. Và quan trọng nhất chính là việc các VĐV này được tạo điều kiện về tập luyện, tập huấn. Họ không phải lo về trang thiết bị tập luyện. Các chuyên gia ngoại giỏi cũng được mời về nâng cao thành tích của những niềm hy vọng vàng. Chưa hết, những đợt tập huấn dài ngày và tốn kém sẽ được dành cho nhóm các VĐV thuộc diện tạo nguồn. Ánh Viên đã tiêu tốn hàng tỷ đồng cho những đợt tập huấn tại Mỹ. Xuân Vinh cũng thường xuyên có mặt tại Hàn Quốc và tham gia mọi giải đấu để cải thiện thành tích.
 Hoàng Xuân Vinh trong một buổi tập luyện.

Chiến lược đầu tư có trọng điểm giúp các VĐV Việt Nam được trui rèn bản lĩnh trận mạc. Họ không còn bị trạng thái khi bước vào đấu trường chính thức. Cũng nhờ đó mà thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games, Asiad hay Olympic đã cải thiện đáng kể.

Chân đế chưa rộng

Vị thế của thể thao Việt Nam đã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây. Thậm chí, không quá khi nói rằng, thể thao Việt Nam đã có thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Nhưng vấn đề đặt ra lúc này làm sao để phát triển thể thao Việt Nam một cách bền vững. Muốn vậy, công tác đào tạo và thể thao phong trào phải thật sự tốt.

Trong buổi gặp mặt mới đây với ngành VH-TT&DL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn phải quan tâm đến thể thao phong trào, bởi đó chính là gốc rễ của thể thao đỉnh cao. Muốn có thể thao đỉnh cao phát triển thì thể thao phong trào phải rộng khắp và có chiều sâu. Nói đâu xa, khi Nguyễn Tiến Minh đã đến giới hạn cao nhất của sự nghiệp, bắt đầu bước vào buổi xế chiều thì cầu lông Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra người kế tiếp. Chưa hết, ai sẽ thay Hoàng Xuân Vinh tìm kiếm vinh quang nếu xạ thủ này giải nghệ? Nên nhớ là Xuân Vinh đã ngoài 40 tuổi và ngay lúc này, bắn súng Việt Nam phải tính đến bài toán kế thừa.

Cái khó của thể thao Việt Nam là thiếu cơ chế để thể thao phong trào phát triển. Với rất nhiều môn thể thao, việc thu hút người chơi ở cấp độ thường xuyên và chuyên sâu là vô cùng khó khăn. Kinh phí tổ chức các giải đấu từ cấp cơ sở cũng là những bài toán khó giải với các nhà quản lý. Bởi lẽ, nếu không có sân chơi thì rất khó để thể thao Việt Nam tuyển chọn, phát hiện nhân tài. Ngoài ra, phải kể đến việc làm sao để nâng chế độ đãi ngộ cho các VĐV trẻ, dự tuyển để họ theo đuổi nghề nghiệp cũng là khó khăn của ngành thể thao.

Rất nhiều người góp ý, muốn phát triển, ngành thể thao phải thu hút nguồn lực từ xã hội. Các liên đoàn, hiệp hội phải được xã hội hóa một cách rộng khắp. Nhưng có điều, các nhà tài trợ sẽ không đến với những môn thể thao kém hấp dẫn hoặc không tìm lấy lợi ích từ cơ chế. Vậy nên, sự phát triển của thể thao, đặc biệt là thể thao phong trào vẫn phụ thuộc vào nỗ lực tự thân của ngành thể thao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần