Thể thao Việt Nam: Giấc mơ vàng Asiad

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) với lực lượng hùng hậu nhất lịch sử đã tổ chức lễ xuất quân tham sự Asiad 2018. Đầu tư lớn, tham vọng của TTVN là giành ít nhất 3 tấm HCV tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục.rn

Lực lượng hùng hậu nhất
Trong hai kỳ Asiad 2010, 2014, TTVN chỉ giành được khiêm tốn 1 tấm HCV. Công đầu thuộc về hai võ sĩ Lê Bích Phương và Dương Thúy Vi. So với Asiad 2006 tổ chức tại Qatar giành được 6 tấm HCV, thành tích của TTVN trên đấu trường châu lục đang có dấu hiệu đi xuống. Khả năng hội nhập với đấu trường lớn đang bị thách thức nghiêm trọng. Càng đáng báo động hơn khi tính về quy mô đoàn, nội dung tham dự và cả sự đầu tư của Nhà nước. Nếu so với bình diện khu vực, TTVN luôn đứng ở top 3 trong mỗi kỳ SEA Games trong khoảng 15 năm trở lại đây nhưng lại thua nhiều đoàn khác như Malaysia, Philippines và Singapore.
 Vận động viên Ánh Viên trong một buổi thi đấu.

Asiad 2018 được coi là cột mốc lịch sử cho TTVN trong quá trình hội nhập. Chúng ta vừa có một SEA Games 2017 quá thành công với hàng loạt môn thể thao Olympic mang vinh quang về cho Tổ quốc thông qua những tấm HCV và kỷ lục được xác lập. Đặc biệt hơn, tại Thế vận hội 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về một tấm HCV, một tấm HCB cùng kỷ lục mới được xác lập.

Các chuyên gia cho rằng, đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội lực cũng như định hướng đầu tư của TTVN. Từ chiến lược “đi tắt đón đầu”, phát triển những môn thể thao theo xu thế để giành huy chương, TTVN đang bước sang giai đoạn Olympic hóa. Những môn thể thao cơ bản được đầu tư bài bản và mạnh mẽ hơn. Hàng chục vận động viên (VĐV) chiến lược được đào tạo hàng năm với chế độ đãi ngộ, tập huấn cực tốt nhằm tìm vàng châu lục. Ngành thể thao thậm chí còn kết hợp với các đơn vị chủ quản, các địa phương để tạo nguồn tài chính nhằm đưa VĐV tài năng ra nước ngoài tập huấn dài hạn như trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên.

Trước thềm Asiad 2018, ngành thể thao đã công bố số lượng đoàn TTVN dự Asiad với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chúng ta đã cử 352 VĐV ở 32 môn và phân môn thể thao đến Indonesia. Bên cạnh đó còn có hàng chục HLV, chuyên gia, bác sĩ, săn sóc viên và lãnh đạo khiến đoàn TTVN có tổng số nhân sự lên đến 523 thành viên. Ở kỳ Asiad 4 năm trước, đoàn TTVN chỉ có 298 thành viên. Với một lực lượng đông đảo, được đầu tư dài hạn, đoàn TTVN kỳ vọng sẽ giành được từ 3 - 5 HCV tại đại hội lần này.

Đổi màu huy chương

Với một lực lượng hùng hậu, được chuẩn bị trong thời gian dài với chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, TTVN đang hy vọng có được sự đột phá về lượng cũng như chất. Những tấm HCV sẽ nhiều hơn để khẳng định vị thế, đồng thời, tạo ra bước ngặt để phát triển. Tuy nhiên, cơ hội giành vàng của TTVN vẫn chỉ gói gọn ở những môn thể thao thế mạnh lâu nay như: Điền kinh, cử tạ, bắn súng, bắn cung, bơi, xe đạp. Tuy nhiên, cửa giành vàng được cho là rộng mở nhất lại đến từ các võ đối kháng cá nhân như taekwondo, karate, wushu, silat, kurash, jujitshu, quyền anh. Tại Asiad 2010, TTVN có 17 nội dung vào chung kết các môn võ nhưng chỉ giành được 1 HCV môn karate của Lê Bích Phương. Asiad 2014, TTVN dự với 199 VĐV dự 21 môn, có 11 nội dung vào chung kết và cũng giành được đúng 1 HCV của Dương Thúy Vi môn wushu.

Xác định được trọng tâm, nhiều năm qua, các nhà hoạch định sách lược của TTVN thường nhắm vào những hạng cân nhỏ phù hợp với thể trạng, vóc dáng của con người Việt Nam.

Để giành được ít nhất 3 tấm HCV như mục tiêu đề ra, trong tời gian qua, TTVN vẫn kiên trì với chiến lược đầu tư trọng điểm. Bên cạnh việc đầu tư dài hạn cho Ánh Viên, các VĐV có cơ hội giành huy chương ở những môn thể thao khác cũng liên tục được gửi ra nước ngoài tập huấn với kinh phí không hề ít. Đặc biệt, các môn thể thao mũi nhọn hầu hết đều được dẫn dắt bởi những HLV giàu kinh nghiệm đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Với sự đầu tư có chiều sâu, TTVN hy vọng sẽ hoàn thành được mục tiêu nhằm mở ra một chương mới trong quá trình hội nhập.