Thêm nhiều ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh: Cái giá của chủ quan

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 88 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến một số đơn vị, cá nhân có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19. Nhưng ca bệnh lây từ người cách ly vừa được Bộ Y tế công bố tối 30/11 khiến tất cả phải giật mình nhìn lại về quy trình cách ly cũng như ý thức, trách nhiệm của chính bản thân mình trong việc phòng dịch.

 Ảnh minh họa
Việc Vietnam Airlines thực hiện cách ly tập trung 4 ngày đối với tổ bay trên chuyến bay không có ca nhiễm Covid-19 và sau đó, cho về cách ly tại nhà là đúng quy định theo Công văn số 3588 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, người được cách ly cần tuân thủ theo “hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú”, tuyệt đối không tiếp xúc, giao lưu với người khác. Nhưng, trường hợp tiếp viên hàng không (bệnh nhân BN1342) trong thời gian cách ly tại nhà, lại vô ý thức, trách nhiệm, không tuân thủ cách ly, đã tiếp xúc gần với mẹ, một người bạn nữ và ở cùng phòng trọ với một người bạn nam khác và lây cho người này (BN1347). 
Có thể nói, công cuộc chống dịch của Việt Nam vô cùng cam go, gian khổ và phải hy sinh nhiều thứ mới có được thành công đến ngày hôm nay, khống chế được 2 làn sóng dữ dội của dịch và giữ “sạch lưới” trong gần 3 tháng qua. Nhưng chỉ vì sự thiếu ý thức của một vài cá nhân đã ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên cả nước.

Dịch bệnh Covid-19 có thể xem là phép thử cho ý thức của toàn xã hội. Ca lây nhiễm vừa qua tại TP Hồ Chí Minh là cú giật mình đáng sợ, báo động về sự lây nhiễm Covid-19 nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cộng đồng. Cách đây không lâu, người dân Hà Nội cũng tá hỏa lo lắng khi hai nhân viên một khách sạn cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đang cách ly tại đây mượn điện thoại. Hai người này sau đó phải cách ly tập trung nhưng may mắn kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Nhìn lại, trong những những ngày qua, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tại Hà Nội cũng như địa bàn cả nước đang xảy ra hiện tượng một số người dân cố tình không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là không đeo khẩu trang nơi công cộng. Không khó để bắt gặp tình trạng người dân tập trung đông đúc trên nhiều tuyến phố, công viên trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm mà không mấy người đeo khẩu trang. Nguy hiểm hơn, các tỉnh biên giới tiếp tục nóng lên việc người nhập cảnh trái phép bằng nhiều con đường khác nhau, trong khi bên ngoài biên giới, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp. Hệ lụy kéo theo là cả xã hội phải gánh chịu nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng như thiệt hại về mọi mặt trong đời sống xã hội.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến rất gần, không ai muốn một cái Tết lịch sử nữa với kỳ nghỉ dài có thể lặp lại nếu dịch Covid-19 tái bùng phát. Điều đó phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong phòng chống dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần