Thêm những bài học sau dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được ngành nông nghiệp xác định là lâu dài, trong đó người chăn nuôi giữ vai trò quyết định, quan trọng nhất. Vì vậy, để bảo vệ tài sản của gia đình mình, người chăn nuôi cần trang bị cho mình đủ kiến thức để phòng và khống chế dịch.

 Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu ngăn chăn dịch tả lợn châu Phi.

Hãy là người chăn nuôi hiểu biết

Sau hơn 2 tháng DTLCP thâm nhập vào Việt Nam, đến thời điểm này các cơ quan chức năng đã thực hiện tiêu hủy hơn 85.000 con lợn. Liền một lúc người chăn nuôi phải chịu tác động kép, một mặt, dịch càn quét sạch đàn lợn khiến họ trắng tay, mặt khác tâm lý e ngại thịt của người tiêu dùng khiến giá thịt lợn giảm sâu, ảnh hưởng tới thu nhập của người chăn nuôi. Mặc dù tốc độ lây lan của dịch đã chững lại nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch, nhưng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững thì cần có những giải pháp mang tính lâu dài.
Qua hơn 2 tháng xảy ra dịch bệnh, chúng ta rút ra được kinh nghiệm là tất cả các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm DTLCP. Bởi vậy các DN chăn nuôi lớn phải rà soát tổng thể các biện pháp an toàn sinh học của mình, đảm bảo cao nhất về cơ sở vật chất; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất, xử lý môi trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương

Phân tích về nguyên nhân khiến DTLCP bùng phát, ông Nguyễn Ngọc Sơn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Chủ yếu là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Do sự chủ quan, bất cẩn của người chăn nuôi như: Việc sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể cho đàn lợn không qua xử lý nhiệt. Hay việc chăn nuôi tận dụng trong gia đình, điều kiện chuồng trại không đảm bảo, khu vực chăn nuôi gần khu vực sơ chế, chế biến thức ăn của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh. Điều kiện vệ sinh phòng bệnh không đảm bảo, không thường xuyên tiêu độc khử trùng. Một số nơi lại sử dụng nước ao hồ tắm, rửa chuồng trại, không quản lý người và các thiết bị ra vào trại khiến dịch có cơ hội thâm nhập… Đây là điều hoàn toàn có thể tránh được nếu người chăn nuôi có đủ kiến thức phòng tránh dịch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để ngăn chặn và khống chế DTLCP thì chính người chăn nuôi giữ vai trò chủ thể. Họ là người trực tiếp thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch. Do đó, bản thân họ phải tự có kiến thức để bảo vệ đàn lợn của gia đình mình trước. Bên cạnh đó, đề phòng nguy cơ dịch bệnh có thể xảy đến, người chăn nuôi cần chủ động trang bị kiến thức về cơ chế lây bệnh để giữ vững tâm lý. Đặc biệt không quyết định theo số đông dễ dẫn đến tổn thất như tình trạng bán tháo đàn lợn tại các vùng có dịch. Thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm bảo vệ đàn lợn.

An toàn sinh học - giải pháp tối ưu

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, thời điểm hiện nay, yếu tố then chốt quyết định nằm ở ý thức người nuôi. Và giải pháp căn cơ, tối ưu nhất chính là phải thực hiện rốt ráo giải pháp an toàn sinh học chuồng trại, tiêm ngừa vaccine đầy đủ. Theo đó, người chăn nuôi cần chọn mua con giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín có nguồn gốc rõ ràng; chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm; định kỳ vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và xung quanh, hạn chế người và phương tiện ra vào trại. Khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bất thường cần báo ngay với cơ quan thú y gần nhất hoặc chính quyền địa phương.

Ông Đăng nhận định, sau khi dịch đi qua tổng đàn lợn sẽ giảm và thiếu hụt cục bộ. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, phần khác do tâm lý lo ngại nên người chăn nuôi bán tháo và tâm lý sợ rủi ro khi duy trì đàn hoặc tái đàn. Điều này dẫn đến thị trường cung – cầu thịt lợn sau dịch bệnh sẽ bị mất cân đối và giá lợn thường được đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, để làm chủ được cơ hội từ thị trường và tránh rơi vào cảnh mất trắng đàn lợn sau mỗi mùa dịch đi qua, người chăn nuôi cần thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực hành chăn nuôi, dần chuyển đổi từ con giống địa phương sang giống mới có nguồn gốc nhập khẩu cho năng suất cao và gen kháng bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần