Thêm phương thức giải quyết tranh chấp dân sự

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Đó là ý kiến được chỉ rõ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức được công bố.

Tự nguyện và linh hoạt
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Thông tin về những điểm đáng lưu ý của Luật, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào cho biết, hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại, lao động… theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật này cũng quy định 9 nguyên tắc, trong đó 3 nguyên tắc cơ bản nhất là tự nguyện, bảo mật thông tin và linh hoạt. Điển hình như Luật quy định hòa giải, đối thoại tại tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc.
Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, hòa giải viên phải luôn tôn trọng sự tự nguyện của các bên; các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
 Một buổi hòa giải tại Tòa. (Ảnh minh họa)
Luật cũng quy định, việc giữ bí mật đối với các thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại là yêu cầu bắt buộc; giúp các bên dễ dàng cởi mở chia sẻ thông tin, hòa giải viên dễ tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp, những mâu thuẫn chủ yếu cần giải quyết... Đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án là phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên được điều chỉnh phương pháp, thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải phù hợp với điều kiện của các bên nhằm đạt được kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Giúp tiết kiệm chi phí
Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều trong quá trình hoàn thiện Luật là phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa vừa giúp giảm chi phí cho người dân vừa tiết kiệm chi phí cho ngân sách. Theo kết quả thí điểm ở 16 tỉnh thời gian vừa qua đã khẳng định, đây là cơ chế hiệu quả, tiết kiệm cho người dân và Nhà nước.
Thống kê sơ bộ đã có gần 40.000 vụ hòa giải thành công, tương đương tỷ lệ 78%, đặc biệt có những địa phương như tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương tỷ lệ hơn 90%. Có ý kiến đã phân tích, theo tính toán, mức chi ngân sách cho 1 phiên tòa sơ thẩm ít nhất 5,5 triệu đồng, trong khi mức chi cho hòa giải chỉ là 1,2 triệu đồng. Đây thực sự là một con số không nhỏ.
Cũng liên quan đến vấn đề kinh phí, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn phương thức này, Luật đã quy định, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải, đối thoại do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu: Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại... các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; phiên dịch tiếng nước ngoài... Luật cũng quy định rõ về việc bổ nhiệm hòa giải viên; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại…
Hòa giải, đối thoại tại tòa án là một cơ chế mới, được đánh giá là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự trong thời gian tới, góp phần vào việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần