Theo dòng bầu cử Mỹ: Tại sao các cuộc thăm dò tiếp tục sai về ông Trump?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự đồng thuận của hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia lớn, do FiveThirtyEight theo dõi, đều đã chỉ ra vị trí dẫn đầu của ông Biden ở mức 8,4 điểm phần trăm vào ngày 1/11. Nhưng tất cả như bị thực tế đánh chìm vào thời khắc Florida bắt đầu báo cáo kết quả bầu cử hôm 3/11.

Florida đã cho thấy một chiến thắng sít sao với ông Trump, trong khi tiểu bang chiến trường này trước đó được tin sẽ ngả xanh theo ông Biden, tương tự như các bang quan trọng khác. Tại sao các nhà thăm dò uy tín có thể đồng loạt sai lầm như vậy - một lần nữa lại sai sau những gì đã diễn ra hồi 2016?
Câu trả lời có thể được nhìn từ một cuộc thăm dò duy nhất đã dự báo đúng về Florida năm nay: Rasmussen cho Donald Trump thắng 1 điểm phần trăm. Rasmussen cũng là cuộc thăm dò lớn dự báo gần với kết quả bầu cử năm 2016 nhất. Đáng chú ý, thay vì sử dụng người để thu thập ý kiến trực tiếp như các cuộc thăm dò uy tín khác, Rasmussen lại sử dụng giọng nói được thu âm sẵn.
Lý giải ý nghĩa của điều này với cuộc đua Trump - Biden, nhà xã hội học chính trị Salvatore Babone, đồng thời là Phó giáo sư tại ĐH Sydney nói: "Con người trả lời một cuộc khảo sát qua điện thoại cũng như khi họ tranh luận trên Twitter. Ở một nước Mỹ, nơi mà những người ủng hộ ông Trump thường bị gọi là "phân biệt chủng tộc", không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ thích giấu khuynh hướng chính trị của mình".
Theo The Economist, hiện tượng "cử tri Trump nhút nhát" này được giới nghiên cứu gọi là "sự không phản ứng của khác biệt đảng phái" - khi một ứng cử viên mà bạn ủng hộ đang làm rất tệ, bạn sẽ ít có khả năng trả lời những người thăm dò ý kiến. Đó là lý do vì sao cuộc thăm dò của Rasmussen lại cho thấy sự ngược dòng trong nhiều dự đoán.
Trong thời đại công nghệ, rất ít người trả lời cuộc gọi từ các số máy lạ, và thậm chí ít người muốn nói chuyện với một người thăm dò ý kiến ​​- người mà họ sợ có thể là một kẻ lừa đảo. Trung tâm Nghiên cứu Pew báo cáo, tỷ lệ phản hồi người lạ qua điện thoại đã giảm mạnh từ 36% của 2 thập kỷ trước, xuống chỉ còn 6% ở hiện tại. Pew cũng là một tổ chức phi lợi nhuận hiếm hoi cố gắng liên hệ với mọi số điện thoại được lấy mẫu ít nhất 7 lần - điều mà các hãng thăm dò ý kiến ​​thương mại không thể làm được.
PGS. Babone thì gọi đây là "thành kiến ​​về ham muốn xã hội", và dự báo nó sẽ không giảm đi kể cả khi nhân vật nổi tiếng như Donald Trump cuối cùng cũng sẽ rời sân khấu.
"Các mô hình, giúp người thăm dò ngoại suy từ 3% cho toàn bộ cử tri, chủ yếu dựa vào dữ liệu các cuộc khảo sát trực tiếp được thực hiện ngay sau khi mọi người đã bỏ phiếu. Nhưng với phần lớn phiếu bầu được bỏ qua thư trong cuộc bầu cử 2020 - 102 triệu phiếu - các cuộc thăm dò ý kiến ​​như vậy là vô nghĩa. Do đó, các dự đoán về cuộc thăm dò trong tương lai sẽ ngày càng sai lệch so với thực tế", ông Babone nói, "bỏ phiếu bầu cử ở Mỹ nên được coi là trò giải trí may rủi hơn là chính trị nghiêm túc".