Theo dòng thể thao: Bóng phải lăn

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi mà thượng tầng VFF vẫn đang nháo nhào bởi những cuộc đấu không có hồi kết, thì hàng loạt các sự kiện bóng đá vẫn diễn ra.

ĐT U23 tập trung và bước vào giải đấu quốc tế nhằm chuẩn bị cho ASIAD. ĐT nữ, các đội tuyển trẻ vẫn nhịp nhàng hoạt động như thể ngôi nhà VFF vẫn đang rất bình yên.

Có lần, một nữ nhà báo đã nói đầy thương cảm với ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF, người liên tục bị tấn công thời gian qua: “Ông đang bị đánh kia kìa. Chắc gì đã được làm tiếp mà chỗ nào cũng xuất hiện, trăn trở làm gì cho lắm!”. Ông Tuấn trả lời: “Chủ tịch ở xa. Bóng đá có nhiều biến cố, nhưng chẳng lẽ tôi không làm việc. Có thế nào thì bóng cũng phải lăn. Các đội tuyển cần được đầu tư, chăm bẵm và xây dựng kế hoạch hoạt động bởi nếu vì chán nản mà buông xuôi thì có tội với nền bóng đá”.

Tới đây VFF sẽ đại hội. Một ban lãnh đạo mới được bầu chọn. Nhưng không phải vì thế mà giai đoạn giáp hạt này, công việc bị đình trệ. Các nhà quản lý bóng đá nói rất nhiều về sự chuyên nghiệp của các cầu thủ. Còn một ngày hợp đồng cũng phải thi đấu.

Bóng đá là một cuộc chơi lớn. Ở đó, có sự cạnh tranh, thậm chí đấu tranh nhằm loại trừ nhau, nhưng phải dựa trên những nguyên tắc và luật chơi rõ ràng. Trong đó, luật chơi tối cao là người trong cuộc phải hành động, thúc đẩy những giá trị căn bản, làm nền tảng cho sự phát triển của bóng đá. Đi lệch đường ray, nhân danh những điều cao đẹp nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, đặc biệt là cản trở lộ trình phát triển thì chắc chắn bạn sẽ bị loại bỏ.

Vậy mới nói, bóng phải lăn dù bất cứ hoàn cảnh nào. Hãy tin vào những điều tốt đẹp nhất luôn tồn tại. Dù có thế nào thì nền bóng đá và tình cảm của người hâm mộ phải được bảo vệ, nâng niu, mang đến động lực cho sự phát triển vì cái chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần