Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Khi bóng đá đi tìm khán giả

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, VFF đã chính thức mở bán vé trận U20 Việt Nam - U20 Argentina vào ngày 10/5 tới.

Một điều đáng mừng là hàng ngàn cổ động viên đã kéo đến khuôn viên sân Thống Nhất để xếp hàng mua vé. Và ngay lúc này đã có thể khẳng định, đây là trận đấu thắng lợi về mặt kinh doanh.

Lâu rồi, VFF không còn chọn Mỹ Đình làm sân tổ chức các trận đấu giao hữu của đội tuyển Việt Nam, trừ những trường hợp bắt buộc. Câu hỏi đặt ra là tại sao VFF lại chuyển hướng chiến lược dù Mỹ Đình đang là sân vận động (SVĐ) hiện đại và có sức chứa lớn nhất nước hiện nay? Cách đây không lâu, U22 Việt Nam đã có trận đấu giao hữu với đội Đài Loan (Trung Quốc), nhưng VFF quyết định chọn sân Hàng Đẫy. Rồi, giải vô địch U19 châu Á cũng diễn ra ở sân Hàng Đẫy. Nên nhớ rằng, sân Hàng Đẫy đã xuống cấp khá nhiều và TP Hà Nội đang có kế hoạch nâng cấp trong thời gian tới. Rồi, trong thời gian chuẩn bị cho AFF Cup, đội tuyển Việt Nam cũng thường xuyên chọn sân Thống Nhất và thậm chí cả sân Cần Thơ, Cẩm Phả làm nơi tổ chức các trận đấu giao hữu quốc tế.

Ai cũng biết, Mỹ Đình chính là SVĐ duy nhất ở Việt Nam đủ tiêu chuẩn tổ chức những trận đấu lớn. Thường thì AFC, FIFA chỉ chọn Mỹ Đình làm nơi tổ chức các trận đấu thuộc hệ thống thi đấu của mình. Đây là điều bắt buộc với VFF và các đội bóng khi bước ra sân chơi quốc tế. Nhưng có điều, để tổ chức các trận đấu tại đây, VFF phải chi một khoản kinh phí lớn cho việc thuê sân bãi, công tác an ninh và nhiều dịch vụ khác. Trong bối cảnh đội tuyển không thực sự hấp dẫn với khán giả Hà Nội thì việc tổ chức trận đấu tại Mỹ Đình đối diện với nguy cơ lỗ rất cao. Với tư cách là một đơn vị tổ chức sự kiện, coi các hoạt động thi đấu là cơ hội tìm kiếm nguồn tài chính thì VFF không chấp nhận thua lỗ trong các sự kiện do mình tổ chức. Vì thế, họ không còn ưu tiên Mỹ Đình làm điểm đến trong các trận đấu giao hữu nữa.

Có một thực tế là khi đội tuyển Việt Nam về thi đấu tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay Quảng Ninh thì luôn thu hút được đông đảo khán giả đến sân theo dõi. Về mặt thương mại cũng như thương hiệu thì những trận đấu có đông khán giả sẽ hữu ích hơn các trận đấu tại Mỹ Đình vốn có những khán đài quạnh vắng. Đặc biệt, các nhà tài trợ của VFF hẳn sẽ không hài lòng khi bỏ tiền cho các sự kiện không thu hút được đông đảo khán giả đến sân.

Áp lực từ các nhà tài trợ, áp lực từ việc không được phép thua về tài chính buộc VFF phải thay đổi quan điểm. Từ chỗ thụ động trong việc kinh doanh, VFF đã trở thành một DN chủ động bán sản phẩm của mình cho những thị trường mới, có sức cầu lớn. Thực tế là ở các địa phương khác, người hâm mộ vẫn dành tình cảm lớn cho đội tuyển. Những sự kiện bóng đá luôn được đón nhận với sự hồ hởi.

Việc đến với các địa phương không chỉ giúp VFF không thua về tài chính mà còn giúp họ tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Việc bóng đá đi tìm khán giả là điều tất yếu nhằm đảm bảo rằng, sản phẩm bóng đá có thể đến với những người thụ hưởng. Bên cạnh đó, nó giúp VFF có được những món quà ý nghĩa với các địa phương vốn có nhiều đóng góp cho đội tuyển. Thậm chí, có nhiều địa phương đang đòi hỏi VFF phải có sự công bằng khi đóng góp nhiều tuyển thủ mà người dân không được xem đội tuyển thi đấu. Bởi, với các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc xem đội tuyển thi đấu là điều bình thường, nhưng có những địa phương hàng chục năm chưa được tổ chức những sự kiện lớn.