Theo dòng thể thao: Khoảng trống về ứng xử ở bóng đá Việt

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận đấu giữa Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa đã khép lại với sự cố liên quan đến ứng xử của người trong cuộc.

Cầu thủ Hà Nội FC tố cáo HLV FLC Thanh Hóa là Lê Hồng Minh có hành vi dọa nạt. Trong khi đó, ông Minh lại tố cầu thủ Vũ Tiến Long của Hà Nội FC “láo trong cách ăn mừng”.

 Ảnh minh họa. Nguôn: Internet

Hai đội bóng trẻ là Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa đã lao vào một cuộc tranh cãi không có hồi kết. Cầu thủ Hà Nội FC tố bị HLV đối phương dọa cắt gân. HLV Hồng Minh phân trần rằng, ông chỉ có sự nhắc nhở nghiêm khắc đối với cách cư xử khống đúng mức của cầu thủ Vũ Tiến Long. Ông Minh cho biết, sau khi ghi bàn gỡ hòa cho Hà Nội FC, Vũ Tiến Long đã chạy về phía khu ban huấn luyện của FLC Thanh Hóa và có hành vì “đấm gió”. Đáng chú ý hơn, Tiến Long là cầu thủ gốc Thanh Hóa và từng được ông Minh huấn luyện.

Những người ủng hộ Hà Nội FC thì cho rằng, HLV của FLC Thanh Hóa đáng trách vì thiếu kiềm chế khi đi tranh cãi với một cầu thủ trẻ. Nhưng, không ít người lại tỏ ra cảm thông khi cho rằng, trong tình thế bị cầu thủ do chính mình đào tạo có hành vi không đẹp thì thật khó mà giữ bình tĩnh. Thậm chí, theo tường trình của ông Minh, cầu thủ Tiến Long còn có hành vi không hề vừa khi có những lời lẽ xấc xược dành cho người từng dạy dỗ mình.

“Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại”, mỗi bên có một cái lý và luôn đưa ra luận điểm để bảo vệ mình. Chỉ có bóng đá trẻ Việt Nam và đặc biệt là hình ảnh của hai đội bóng là ảnh hưởng. HLV Lê Hồng Minh thì mất khá nhiều khi để mình cuốn theo một sự cố không đáng có. Thế nhưng, cầu thủ Vũ Tiến Long và đội bóng của mình cũng chẳng hề được lợi khi lao vào một cuộc đấu khẩu chẳng có người chiến thắng. Đặc biệt, với Tiến Long, việc bị cho là “khiêu khích đội bóng quê hương” sẽ khiến em gặp nhiều khó khăn trong hành trình còn lại của sự nghiệp bóng đá.

Rất nhiều sự cố liên quan đến ứng xử trên sân, phát ngôn bên lề sân cỏ đã xảy ra. Những sự cố ấy khiến nền bóng đá và đặc biệt là người trong cuộc phải trả giá rất đắt. Có những cầu thủ, HLV bị treo giò, thậm chí là mất việc chỉ vì “vạ miệng”. Không ít đội bóng khi ký hợp đồng với HLV đã yêu cầu có thêm điều khoản “phải giữ mồm, giữ miệng”. Bởi, với các đội bóng, thành tích chuyên môn chỉ là một phần của cuộc chơi. Họ còn phải hướng đến việc giữ gìn thương hiệu, hình ảnh cho đội bóng thì mới mong có tiền.

Cũng vì lối ứng xử tự nhiên đến mức vô tổ chức của nhiều cầu thủ, HLV mà các nhà quản lý từng không ít lần đưa ra khuyến cáo, bên cạnh việc dạy cầu thủ đá bóng, các HLV cần phải dạy thêm cả cách ứng xử trong cuộc sống. Nếu chỉ đào tạo kỹ thuật bóng đá mà quên mất việc dạy làm người thì không thể có những cầu thủ tốt. Xa hơn nữa, việc dạy cách phát ngôn, hành xử trên sân cũng là điều mà các đội bóng cần phải đặc biệt quan tâm.

Bóng đá có những giới hạn không được phép vượt qua. Nhưng đáng tiếc là nhiều cầu thủ thường bước vào sân với sự ăn thua, thậm chí cả với đội bóng quê hương của mình. Đáng tiếc là không ít cầu thủ dù có hành vi xấu nhưng lại được cổ vũ bởi những người lớn vốn cũng máu ăn thua trên sân cỏ. Và với một nền bóng đá mà từ cầu thủ đến HLV, các nhà quản lý đều không chịu học về sự chuyên nghiệp trong hành xử chuyên nghiệp thì thật khó để phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần