Theo dòng thể thao: Xin đừng chuyền bóng trách nhiệm

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/2 tới đây, HĐQT VPF sẽ nhóm họp nhằm kiểm điểm lại công tác tổ chức giải vốn để xảy ra nhiều sự cố trong thời gian qua.

Nhưng, chuyển động từ hậu trường cho thấy, sẽ có những màn quy trách nhiệm, thậm chí còn xảy ra cuộc chiến ở thượng tầng.

 Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng

Sau phán quyết của VFF dành cho đội bóng Long An với những án phạt nặng lịch sử cho hành vi phản ứng, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban tổ chức giải khi phản ứng quá chậm để sự việc diễn ra theo hướng quá tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá nước nhà. Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy là bởi, trên sân Thống Nhất hôm xảy ra sự cố có nguyên một dàn lãnh đạo cao cấp của VPF lẫn Ban tổ chức giải. Đó là Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc, cùng hàng loạt quan chức khác. Thế nhưng, khi xảy ra sự cố, các quan chức VPF dường như bất động trên khán đài. Họ không có bất cứ phản ứng nào khi các cầu thủ Long An không thi đấu. Và khi vượt quá sức chịu đựng, trọng tài Nguyễn Trọng Thư phải nổi còi kết thúc trận đấu dù vẫn còn 10 phút nữa mới hết giờ.

Và khi dư luận lên tiếng đòi hỏi trách nhiệm từ các cơ quan quản lý thì bắt đầu xuất hiện những “màn đá bóng”. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã khéo léo viện lý do là mình không thể can thiệp vì luật không cho phép. Khi trận đấu diễn ra thì chỉ những thành viên Ban tổ chức giải mới có quyền xuống sân. Và người ta còn bắn tin ra báo chí rằng, trong phiên họp tới đây, rất nhiều vấn đề sẽ được mổ xẻ. Trong đó, việc quy trách nhiệm cho những cá nhân liên quan sẽ được tính đến. Và với cách giải thích này thì khó có thể quy trách nhiệm cho một người không thể phản ứng trên sân như ông Võ Quốc Thắng.

Bóng đá Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề. Hầu như vòng đấu nào cũng xảy ra những sự cố liên quan đến trọng tài. Mới đây nhất, vòng đấu thứ 7 cũng xảy ra hiện tượng các HLV đồng loạt chỉ trích trọng tài vì có những quyết định bị cho là gây tranh cãi. Tuy nhiên, hệ lụy tiêu cực không lớn như sự cố trên sân Thống Nhất. Nhưng, nói thế không có nghĩa là Hội đồng trọng tài vô can. Tới đây, VFF sẽ có những động thái nhằm kiện toàn và củng cố công tác của Hội đồng trọng tài. Nói thẳng ra, một lần nữa, chiếc ghế của ông Nguyễn Văn Mùi - Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia sẽ một lần nữa có thể được cân nhắc.

Trở lại với câu chuyện về trách nhiệm của người quản lý ở VPF khi để xảy ra sự cố. Lời giải thích của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thoạt nghe có vẻ có lý, nhưng ngẫm lại cho thấy sự thiếu thẳng thắn và trốn tránh trách nhiệm. Không thể có chuyện vì quy chế không cho xuống sân mà ngồi yên để đội bóng do chính mình thành lập và tài trợ làm loạn V.League. Ông Thắng hoàn toàn có thể “xé rào”, lao xuống sân yêu cầu đội bóng thi đấu sòng phẳng và hành động ấy thậm chí còn được dư luận tung hô. Và ngay cả khi không xuống sân thì ông Thắng vẫn có thể gọi điện cho một thành viên của đội bóng vốn là người nhà với mình để yêu cầu tuân thủ cuộc chơi. Thế nhưng, ông Thắng án binh và để rồi các cầu thủ chịu bi kịch dù chỉ là quân cờ trong tay các lãnh đạo đội bóng.

Khi có sự cố, phải đủ tinh tế để phản ứng, và lúc hệ lụy tiêu cực xảy ra phải có đủ dũng khí để nhận trách nhiệm. Bởi, trong một thế giới phẳng có sự phản biện cao như bóng đá thì có muốn chuyền bóng trách nhiệm cũng chẳng thể được. Hãy chờ xem, tới đây, VPF sẽ mổ xẻ rút kinh nghiệm như thế nào?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần