Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Phải lấy người dân làm trung tâm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 7/2021, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Các chuyên gia cho rằng, việc thí điểm mô hình này tại Hà Nội là cần thiết, nhằm giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị, nhưng phải lấy người dân làm gốc, như vậy mới có thể đúng hướng.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Hà Nội, đô thị đặc biệt
Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ở các khu vực đô thị lớn của TP tương đối ổn định nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội, thiếu đồng bộ, chưa có sự khớp nối giữa các vùng, các địa phương. Các hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội và đời sống Nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố đô thị - nông thôn và ngày càng chuyển dịch theo hướng đô thị hóa. Quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ hóa, tính bền vững chưa cao, chưa phản ánh rõ nét các bản sắc văn hóa của từng khu vực.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn nhận xét, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp hiện nay của TP Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị. Do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao của đô thị, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp TP và cấp quận, thị xã. Chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp với Hà Nội. Ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc quản lý hành chính Nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.
Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội theo đó nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Củng cố, nâng cao hơn nữa cấp chính quyền từ cơ sở
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn, khi thực hiện thí điểm thì mô hình chính quyền địa phương các cấp của TP Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Trong đó, đối với chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị), thực hiện thí điểm chính quyền đô thị hai cấp. Đó là cấp chính quyền TP Hà Nội và cấp chính quyền quận, thị xã (đều có HĐND và UBND). Ở các phường chỉ tổ chức chính quyền địa phương là UBND phường (không tổ chức HĐND phường). Đối với chính quyền nông thôn (huyện, xã), giữ nguyên mô hình chính quyền nông thôn 3 cấp (huyện, thị xã, xã đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của TP Hà Nội và huyện, thị xã, xã, thị trấn cơ bản như hiện nay nhưng có rà soát để thực hiện các giải pháp nhằm củng cố cấp chính quyền tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.
Đánh giá việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết cho rằng, mục tiêu của chính quyền đô thị các cấp cần quán triệt tinh thần và trách nhiệm phục vụ người dân lên hàng đầu. Các chủ trương, chính sách mới phải được công khai rõ ràng, minh bạch, loại bỏ bớt các thủ tục hành chính rườm rà, trung gian không cần thiết. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị phải lấy Nhân dân làm gốc, như vậy mới có thể đúng hướng.
Các mối quan hệ giữa người dân và chính quyền phải đi vào thực chất, không nên chỉ hứa hẹn, đổ lỗi, đùn đẩy từ cơ quan, cấp chính quyền này sang cơ quan, cấp chính quyền khác. Mọi vấn đề của người dân phải được xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả. Nếu thực hiện được tốt những mục tiêu này, mô hình các cấp chính quyền nào cũng đều phát triển tốt, bền vững, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng cũng như nguyện vọng của Nhân dân nói chung.