Thí điểm “Nhà lưu giữ tro cốt” tại huyện Đan Phượng: Phù hợp xu thế phát triển

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2017, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) triển khai đề án xây dựng thí điểm nhà lưu giữ tro cốt người quá cố sau hỏa táng.

Công trình được kỳ vọng sẽ thay đổi tập quán lâu nay, góp phần quan trọng xây dựng nét văn minh trong việc tang; đồng thời tiết kiệm quỹ đất và bảo vệ môi trường.
Một hạng mục thuộc cụm công trình Nhà lưu giữ tro cốt tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng đang được hoàn thiện. Ảnh: Trọng Tùng
Khu vực nghĩa trang Nhân dân xã Liên Trung một ngày trung tuần tháng 11/2017, không khí làm việc hết sức khẩn trương. Hàng chục nhân công nơi đây tập trung cao độ cho việc hoàn thiện những hạng mục của nhà lưu giữ tro cốt. Công trình có tổng mức đầu tư 6,2 tỷ đồng, có khả năng lưu giữ được 520 bộ tro cốt, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành từ đầu năm 2018.

Bí thư Đảng ủy xã Liên Trung Đào Văn Vũ cho biết, triển khai chương trình nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến công khai dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong Nhân dân về đề án xây dựng thí điểm nhà lưu giữ tro cốt cho người quá cố sau hỏa táng. Đề án là một nội dung mới trong triển khai xây dựng nông thôn mới của địa phương giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, quá trình triển khai thực hiện gặp khá nhiều khó khăn; trong đó việc thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân về lễ tang truyền thống là rào cản lớn nhất. Dẫu vậy, theo ông Vũ, cách thức triển khai chú trọng tới phát huy dân chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, đã thực sự mang tới những hiệu ứng tích cực. Không chỉ nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao trong Nhân dân, công trình nhà lưu giữ tro cốt còn huy động được nguồn vốn xã hội hóa lên tới trên 600 triệu đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện…

Thống kê của UBND xã Liên Trung cho thấy, tỷ lệ tang văn minh tiến bộ trên địa bàn xã hiện đã đạt trên 95%, trong đó, số ca hỏa táng chiếm 55%. Xét trên bình diện toàn huyện Đan Phượng, tỷ lệ hỏa táng hiện cũng đã đạt khoảng 45%. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Việc xây dựng thí điểm, tiến tới đưa vào hoạt động nhà lưu giữ tro cốt tại xã Liên Trung được xem là cách làm có tác động tích cực đến tư duy, nhận thức và hành động của người dân nông thôn, đặc biệt là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Không chỉ giúp cụ thể hóa các mục tiêu của Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, việc triển khai thí điểm nhà lưu giữ tro cốt tại xã Liên Trung còn có ý nghĩa lớn trong tiết kiệm quỹ đất, vốn dĩ đang ngày một eo hẹp trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện hiện nay. Cùng với đó là nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Hoàng, trên cơ sở đánh giá hiệu quả của đề án thí điểm, huyện Đan Phượng sẽ nghiên cứu, tiến tới nhân rộng mô hình nhà lưu giữ tro cốt người quá cố sau hỏa táng ra các địa phương khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần