Thí điểm tầm soát ung thư trực tràng miễn phí: Giật mình với tỷ lệ dương tính

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được ví như vaccine phòng chống bệnh, việc triển khai tầm soát ung thư trực tràng mà Hà Nội đang thí điểm tại 2 quận Nam Từ Liêm và Ba Đình trong gần một tháng nay được người dân hưởng ứng tích cực.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng tầm soát trên toàn TP với gần 2 triệu người dân có độ tuổi từ 40 trở lên.
Gần 5% bị dương tính
Gần một tháng nay, người dân sống tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), phường Nguyễn Trung Trực và phường Điện Biên (quận Ba Đình) bàn tán rôm rả về chuyện được lấy mẫu phân làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư trực tràng miễn phí. Mỗi hộ gia đình đều được tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà phát mẫu, hướng dẫn và thu mẫu. Gặp nhau ngoài đường, câu “cửa miệng” được bà con ở đây hỏi nhau là “đã lấy mẫu chưa?”, “kết quả như thế nào?”. Theo thông báo của Trạm y tế phường Tây Mỗ, đối tượng được lấy mẫu sàng lọc là công dân có hộ khẩu, tạm trú tạm vắng trên địa bàn phường, có độ tuổi từ 40 trở lên, có bảo hiểm y tế mua tại TP Hà Nội còn thời hạn sử dụng ít nhất đến tháng 3/2017. Những người đang mắc bệnh trĩ đi ngoài ra máu và phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt được tư vấn lấy mẫu vào đợt sau. Vậy nhưng, điều khiến người dân phải giật mình khi 2.287 mẫu đã được lấy tại phường Tây Mỗ thì có đến 102 mẫu dương tính, khoảng gần 5%. Những trường hợp này đã được khuyến cáo đến bệnh viện để làm các xét nghiệm chuyên sâu.

Trang thiết bị hiện đại tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội. Ảnh: Duy Anh

Một trong những người nhận được kết quả dương tính tại phường Tây Mỗ chia sẻ, bản thân anh không uống nhiều bia, rượu nên khi nhận kết quả dương tính cũng phải giật mình. “Cũng may có xét nghiệm này, tôi mới biết tình trạng của mình ra sao để chủ động đi kiểm tra lại” - người này cho biết. Còn tại quận Ba Đình, do chưa có kết quả xét nghiệm các mẫu nên người dân ai cũng thấp thỏm. Thế nhưng, người dân trong phường đều động viên nhau gửi mẫu đi xét nghiệm để nếu có bệnh còn phát hiện sớm và chữa trị.
Lồng ghép trong khám lập hồ sơ sức khỏe
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ung thư trực tràng là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ mắc tương đối cao, nhưng lại là căn bệnh có thể chữa được nếu được phát hiện sớm. Hơn nữa, toàn bộ mẫu lấy trong dân được đem về Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn) để làm xét nghiệm nên độ chính xác cao, giúp người dân kịp thời nắm bắt bệnh tình để điều trị. “Đây được coi như một cách đầu tư vào y tế dự phòng để giảm chi phí điều trị của người dân, nên các địa bàn thí điểm đều được người dân hưởng ứng tích cực” - bà Hà cho biết.
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, theo dự kiến ban đầu, chương trình thí điểm từ 28/2 - 10/3 nhưng do nhu cầu của người dân cao nên chương trình tiếp tục được kéo dài thời gian lấy mẫu đến 15/3. Ông Tuấn cho biết thêm, trước đó, tổ trưởng tổ dân phố và các cán bộ trạm y tế phường Tây Mỗ đã được tập huấn, hướng dẫn cụ thể về cách lấy mẫu, bảo quản và quy trình gửi mẫu đi xét nghiệm. Thấy tính hiệu quả cao của chương trình, nhiều người dân trong độ tuổi được xét nghiệm đã chủ động liên hệ với Trạm Y tế phường hỏi thêm thông tin về lấy mẫu.
Bà Hà cho biết, qua giai đoạn thí điểm này, chương trình tầm soát ung thư phát hiện sớm ung thư trực tràng sẽ được xin ý kiến Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung để nhân rộng trên toàn TP, lồng ghép với chương trình khám lập hồ sơ sức khỏe cho người dân. Hiện nay, để chuẩn bị cho chương trình, TP đang tiếp tục đặt mua thêm các test xét nghiệm từ nước ngoài. Trước đó, từ đầu tháng 12/2016, 100.000 test đã được nhập về để thực hiện thí điểm. Đối với những đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, bà Hà khuyến cáo có thể đến các bệnh viện lớn hoặc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để làm xét nghiệm.
Những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polyp trong đại trực tràng dù đã được cắt bỏ, có tiền sử bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn và viêm loét đại trực tràng, tiền sử gia đình có hội chứng đa polyp, hoặc có các biểu hiện như đi ngoài ra nhầy máu hay phân sẫm màu, đau chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phân, thiếu máu, sụt cân, đặc biệt ở những người từ 40 tuổi trở lên… nên tầm soát ung thư đại trực tràng sớm và thường xuyên hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần