Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội: Cú hích quan trọng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Có thể nói rằng, đây là Nghị định đang được chờ đợi như một bước tiếp theo để đưa các quy định, cơ chế, chính sách trong xây dựng chính quyền đô thị vào triển khai, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn.

Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Từ TP cũng như tại các phường của Hà Nội, với sự chuẩn bị sẵn sàng, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng bảo đảm được các mục đích quan trọng đó là phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian; sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị. Bởi mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân cũng như đô thị đặt ra.
Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, trong bối cảnh TP hiện nay, mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước luôn được đặt ra. Việc triển khai Đề án về thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị cho Hà Nội chính là một cú hích cho mục tiêu ấy. Bởi hơn lúc nào hết, Hà Nội đang cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả trọng trách của mình. Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và tăng cường phân cấp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.

Với Nghị định quy định chi tiết lần này, đã làm rõ hơn những định hướng đã được đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, quy định rõ về chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch phường và các vấn đề liên quan đến thực hiện, sẽ là cơ sở để UBND phường cũng như quận, TP triển khai, vận hành mô hình hành chính mới. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã. Sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh.

Đặc biệt, việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ người dân tốt hơn. Đây là công việc thực sự cấp thiết, thể hiện được trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng. Từng cấp một có việc của mình, quyền của mình, trách nhiệm của mình trong quản trị công mới thực hiện được hiệu quả việc này.

Như nhiều ý kiến nhận định, việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ thổi làn gió mới, tinh thần mới vào toàn hệ thống chính trị và thúc đẩy được cả người dân tham gia. Đồng thời, để không xảy ra “khoảng trống quyền lực”, ngoài sự vào cuộc giám sát chặt chẽ hơn của HĐND cấp trên, theo Nghị định mới này, hàng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân. Đây chính là cơ sở để các cơ quan Nhà nước lắng nghe người dân, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần