Thí điểm xe hợp đồng điện tử: Nhiều hệ lụy

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện trên địa bàn Hà Nội thống kê được hơn 7.300 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, hoạt động theo hình thức tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào vận tải hành khách theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT.

Lượng xe này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức giao thông, tạo nên sức ép nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Vỡ quy hoạch
Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, tham gia thí điểm vận tải hành khách ứng dụng hợp đồng điện tử theo Quyết định 24/QĐ - BGTVT với những cái tên quen thuộc như: Uber, Grab... đã được nhắc đến rất nhiều thời gian qua. Các địa phương đang triển khai thí điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa…, các hiệp hội, DN taxi truyền thống đều khẳng định, Grab và Uber là loại hình taxi ứng dụng công nghệ, không phải xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Thế nhưng, riêng Bộ GTVT thì vẫn tiếp tục khẳng định, loại hình này là xe hợp đồng, không phải là taxi. Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc, sau gần 2 năm triển khai thí điểm Đề án ứng dụng công nghệ trên xe hợp đồng chở khách dưới 9 chỗ ngồi đã mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn người tiêu dùng.

Hiện nay Bộ GTVT không nắm được Uber Việt Nam có bao nhiêu xe đang hoạt động.  Ảnh:  Công Hiếu  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng xe tham gia loại hình thí điểm này đang tăng quá nhanh và không thể kiểm soát được; đặc biệt đây đều là xe đăng ký mới, không phải xe nhàn rỗi được tận dụng để tham gia chở khách. Việc này đã và đang phá vỡ quy hoạch giao thông, gây khó khăn lớn cho tổ chức điều hành giao thông đô thị của địa phương. Số liệu từ Sở GTVT các địa phương cho thấy, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có 22.000 xe tham gia loại hình taxi công nghệ, trong khi đó, quy hoạch taxi trên địa bàn đến 2020 chỉ dừng lại ở 12.000 xe. Còn trên địa bàn Hà Nội, đến nay có khoảng 7.300 xe tham gia loại hình taxi công nghệ; nếu tính cả taxi truyền thống, TP đã có gần 27.000 xe, trong khi quy hoạch đến năm 2020 mới là 25.000 xe. Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, việc thí điểm đã khiến số lượng ô tô tại Thủ đô tăng nhanh, bao gồm cả xe ngoại tỉnh về tham gia hoạt động; gây khó khăn cho việc kiểm soát phương tiện và vượt quá mong muốn của TP.
Đùn đẩy trách nhiệm
Là nơi cấp phép cho triển khai thí điểm taxi công nghệ tại các tỉnh, thành trên cả nước từ đầu 2016, nhưng đến nay, Uber Việt Nam có bao nhiêu xe, Bộ GTVT cũng không nắm được.  Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường  cho biết, Bộ không cấp giới hạn số lượng xe mà chỉ giới hạn đơn vị tham gia thí điểm. “Các tỉnh, TP căn cứ vào Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm loại hình này để làm hết chức trách của mình, không đổ lỗi cho Bộ GTVT hay bộ, ngành khác” - ông Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh. Tuy nhiên, Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, một số đơn vị như Uber, Grab không tự cung cấp thì Sở cũng chịu, không có cách nào biết được họ thực sự có bao nhiêu xe. “Họ quản lý xe trên ứng dụng mà Sở không có quyền trích xuất thông tin từ ứng dụng, xe của họ không có dấu hiệu nhận biết, không đăng ký hoạt động theo tên DN, vậy thì địa phương quản lý bằng cách nào?” - vị này đặt câu hỏi.
Trước đây, khi cả Grab và Uber đều chưa được cấp phép thí điểm, xe của các hãng này vẫn hoạt động nhan nhản khắp nơi, bất chấp mọi quy định. Và nay, dù Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Grab không triển khai ứng dụng Grabshre (chia sẻ chuyến đi) nhưng Công ty này vẫn phớt lờ, khai trương tưng bừng ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trước sự việc này, nhiều chuyên gia tỏ ra e ngại vì ngay cả Grab, Uber hoạt động không phép còn được, huống chi một dịch vụ nhỏ như Grabshre.
Quản chặt như taxi truyền thống
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo lên UBND TP và Bộ GTVT đề xuất các biện pháp quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang cho biết, từ tháng 3, Sở đã có kiến nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội dừng thí điểm loại hình vận tải taxi công nghệ, áp dụng một số biện pháp để quản lý, nhưng chưa được Bộ GTVT đồng ý. “Song tới đây, Hà Nội sẽ quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống; đặc biệt Sở GTVT đã báo cáo UBND TP Hà Nội dừng thí điểm loại hình taxi công nghệ trên địa bàn TP, không tăng thêm số lượng xe tham gia hoạt động” - ông Quang nhấn mạnh.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất UBND TP cho phép Sở chủ trì, phối hợp với Công an TP rà soát các tuyến đường có biển báo cấm xe taxi hoạt động để bổ sung biển báo phụ cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm, nhằm hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm UTGT. Kiến nghị UBND TP chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước đối với toàn bộ các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện dưới 9 chỗ ngồi tham gia thí điểm kinh doanh vận tải theo Quyết định số 24/QĐ của Bộ GTVT. Yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra đơn vị vận tải tham gia thí điểm và xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có kiến nghị với Bộ GTVT, từ ngày 15/7/2017 cho phép TP Hà Nội tạm dừng mở rộng công tác thí điểm, không bổ sung thêm các đơn vị mới, không tăng thêm số lượng phương tiện tham gia thí điểm (tạm dừng cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” đối với phương tiện dưới 9 chỗ ngồi. Cho phép Hà Nội quản lý biểu trưng (logo) dành cho phương tiện tham gia thí điểm và quy định về màu sắc, kích thước, vị trí niêm yết trên xe đảm bảo dễ dàng nhận biết để phục vụ công tác quản lý, tổ chức giao thông và xử lý vi phạm. Về kiến nghị của TP Hà Nội, các chuyên gia cho đây là những biện pháp cấp thiết, cần thực hiện ngay để ngăn chặn sự bùng nổ taxi công nghệ và những hệ lụy khôn lường mà nó mang đến cho Thủ đô.
Trách nhiệm quản lý số lượng xe tham gia mạng lưới thuộc về địa phương sở tại, địa phương có quyền cấp phép cho hoạt động hay cấm mà không cần phải xin ý kiến của Bộ.
Thứ trưởng Bộ GTVT  Nguyễn Hồng Trường
Chính Bộ GTVT đã cấp phép cho thí điểm và định danh loại hình taxi công nghệ này là xe hợp đồng. Bộ không yêu cầu Uber hay Grab phải chia sẻ dữ liệu về ID gắn với biển kiểm soát xe và lái xe thì không một cơ quan nào quản lý nổi. Còn phía Công ty TNHH Uber Việt Nam thì khẳng định, không đồng ý cung cấp số liệu lái xe tham gia mạng lưới chở khách vì đây là “bí mật kinh doanh”.
Chuyên gia giao thông  Đặng Chí Nga