“Thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, tác phong của cán bộ công chức”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (21/12), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) đã diễn ra “Hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) và triển khai công tác TĐKT năm 2018”, do Ban TĐKT T.Ư (Bộ Nội vụ) tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và phát biểu chỉ đạo; Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT T.Ư Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng dự. Về phía TP Hà Nội có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng TĐKT TP Nguyễn Đức Chung.
Phong trào thi đua yêu nước ngày càng sâu rộng

Đánh giá kết quả 13 năm thi hành Luật TĐKT, Thứ trưởng Bộ Nội vụ-Trưởng Ban TĐKT T.Ư Trần Thị Hà cho biết: Trên cơ sở của Luật, vai trò quản lý nhà nước về TĐKT thời gian qua đã được tăng cường, công tác TĐKT dần đi vào nền nếp, các phong trào thi đua thực sự góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bộ, ngành, địa phương. Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu, rộng trong cả nước, công tác khen thưởng kịp thời động viên, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT T.Ư Trần Thị Hà phát biểu.
Từ năm 2004 đến nay, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua, điển hình là: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… Các bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề một cách thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị; MTTQ và các đoàn thể Nhân dân chủ động phát động phong trào thi đua, các cuộc vận động và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tổ chức nhiều phong trào thi đua được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hà, thực hiện Luật sau 13 năm đã bộc lộ những bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, cụ thể như: Về thi đua còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất; công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các thành phần kinh tế; Luật xây dựng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở…
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề ra 5 nhóm giải pháp để khắc phục những hạn chế này thời gian tới, gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới chính sách, pháp luật về TĐKT; đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đổi mới về bộ máy tổ chức và cán bộ. Bộ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật, với quan điểm rõ ràng là cần điều chỉnh các quy định về hình thức khen thưởng theo hướng: Luật chỉ quy định đối tượng, tiêu chuẩn các khen thưởng cấp Nhà nước, mang ý nghĩa tôn vinh cấp quốc gia; còn lại nên thực hiện quan điểm phân cấp mạnh về thẩm quyền và các hình thức khen thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, MTTQ, đoàn thể và cấp cơ sở để tạo động lực trực tiếp và sự sáng tạo trong sử dụng các hình thức khen thưởng, kịp thời động viên người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Công khai, minh bạch trong bình xét thi đua

Phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, trong năm 2018 sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) và là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Ban TĐKT T.Ư kêu gọi toàn ngành tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và các phong trào thi đua yêu nước thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; công tác tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách về TĐKT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; tiếp tục nâng cao chất lượng của Hội đồng TĐKT các cấp và cụm, khối thi đua; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Ngành cũng đề ra 4 nhóm biện pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao kết quả của các cấp, ngành, địa phương trên cả nước sau 13 năm thi hành Luật TĐKT, trong đó, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác này - là những chủ trương, định hướng, cơ sở quan trọng để hoàn thiện cơ chế, chính sách về TĐKT.

Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, sau 13 năm, có những bất cập trong Luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng còn tập trung vào đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; nhiều văn bản hướng dẫn không rõ ràng, còn chồng chéo; một số quy định thủ tục còn rườm rà; một số phong trào thi đua còn hình thức, nhiều nơi chưa chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến… Nhất là, “còn có tình trạng đề xuất bình chọn mang tính cào bằng, luân phiên mà chưa đảm bảo đúng thực chất, thành tích; một số trường hợp đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân không đúng, dẫn đến khen thưởng chưa chính xác, khiến dư luận xã hội bất bình, nên tới đây, cần chú trọng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

Về kết quả năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả của toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của cả nước; công tác thi đua đã có bước đổi mới, khen thưởng đã hướng về người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến... Song, cần khắc phục hạn chế là dù phát động thi đua nhiều nhưng hiệu quả chưa cao; đối tượng khen thưởng người lao động trực tiếp chưa nhiều, có đối tượng được khen thưởng nhưng thành tích chưa tiêu biểu…

Do đó, năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu công tác TĐKT toàn quốc cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn bản mới, đổi mới công tác TĐKT; chú ý phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình; tổ chức các phong trào cần thiết thực, có tính đột phá, gắn với nhiệm vụ chính trị-xã hội của địa phương; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tại. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ là căn cứ để bình xét thi đua, chú ý vinh danh các nhà khoa học để phát triển khoa học công nghệ, lao động giỏi, sáng tạo; quan tâm khen thưởng DN có nhiều thành tích nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, TĐKT phải gắn với nâng cao đạo đức, tác phong của cán bộ công chức; đồng thời tránh bỏ lọt hồ sơ hoặc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích không xứng đáng.