Thi hành án các khoản nợ của tổ chức tín dụng: Chặt chẽ việc thẩm định tài sản bảo đảm

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những biện pháp để thi hành các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng là các tổ chức này cần thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm, đồng thời tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay.

 Cần có những biện pháp giám sát, thẩm định chặt chẽ hoạt động cho vay tín dụng. Ảnh: Chiến Công
Tỷ lệ thi hành án đạt thấp
Theo Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 1.676 việc, thu được hơn 10.708 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,79% về việc và 11,28% về tiền trên tổng số việc phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 về giá trị tuyệt đối (tăng 22 việc và tăng 184 tỷ đồng).

Nhằm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã có các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến Nghị quyết này trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương xây dựng Kế hoạch tổ chức thi hành án tín dụng của đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả, báo cáo, rà soát các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng điển hình. Hiện nay, 63/63 địa phương có Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Tuy vậy, công tác THADS đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn như: Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán; chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán;... Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều địa phương, án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng có số tiền phải thi hành rất lớn, mặc dù các cơ quan THA đã rất nỗ lực giải quyết, đạt nhiều kết quả, nhưng số chuyển kỳ sau còn khá nhiều; trình tự, thủ tục hồ sơ thi hành án còn có trường hợp chưa chặt chẽ, để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm trong xác minh, thông báo, cưỡng chế thi hành án, chậm thi hành án... dẫn đến đơn thư khiếu nại.

Tăng cường giám sát hoạt động cho vay

Để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án đối với loại việc này, theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định có liên quan. Tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Phát huy vai trò của Tổ xử lý nợ xấu trong tham mưu; thường xuyên rà soát khó khăn, vướng mắc, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt là việc phối hợp giữa cơ quan THADS với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng.

Cũng theo ông Khôi, cần tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan chức năng các cấp đối với công tác THADS, hành chính. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ án lớn, phức tạp kéo dài, nhất là đối với một số vụ việc gặp khó khăn trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cần sự phối hợp liên ngành. Tăng cường giám sát đối với hoạt động cho vay và các hoạt động liên quan đến tín dụng, siết chặt quản lý đối với hoạt động này nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, hạn chế tối đa tỷ lệ nợ xấu không thể thi hành án được.

Tổng cục THADS cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần