Thi sĩ Hồng Thanh Quang ra mắt "101 bài thơ tình"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2010 bắt đầu với nhà thơ Hồng Thanh Quang bằng việc ra mắt tập thơ "101 bài thơ tình," được tuyển chọn từ chặng đường hơn 30 năm gắn bó với thơ ca của anh.

KTĐT - Năm 2010 bắt đầu với nhà thơ Hồng Thanh Quang bằng việc ra mắt tập thơ"101 bài thơ tình,"  được tuyển chọn từ chặng đường hơn 30 năm gắn bó với thơ ca của anh.

Nhà thơ chia sẻ: “Thực ra, bài thơ nào nói cho cùng đều là thơ tình cả, bởi không có tình yêu, không có tình cảm thì không có thơ... Thơ tôi, chỉ toàn là thơ tình. Giống như cuộc sống của tôi, nói cho cùng, luôn trôi qua trong một cảm giác yêu đương bất tận...”


Cơ duyên nào khiến anh cho ra mắt tập thơ này?


Thực ra tôi chưa định in tập thơ này đâu, vì còn quá sớm để tuyển chọn thơ mình. Thế nhưng, tình cờ nhà báo Châu La Việt, một người bạn vong niên, cuối năm 2009 lại tìm tới tôi. Anh nói: "tôi thích thơ tình của ông và tôi muốn in một tuyển thơ tình của ông.".. Việt đề nghị chịu các chi phí tài chính và trả nhuận bút cho tôi bằng 100 cuốn sách. Thật lòng, tôi cũng có đủ các điều kiện để tự in thơ mình. Nhưng cử chỉ hữu hảo của Việt khiến tôi rất vui. Trong thời buổi hiện nay, thật hay khi có một người bạn nhiệt tình và thích thơ mình đến thế.

Vì sao con số được chọn lại là 101 mà không phải 99 hay 100?

Đơn giản thôi, 99 thì non, 100 thì lại tròn trịa quá. Chọn 101 bài cho nó có vẻ dư dả. Đấy là tôi nghĩ như thế. Hơn nữa, anh Việt cũng không dám “chịu chơi” in hết những bài thơ tình của tôi, vì sẽ rất tốn kém (cười)...

Bài thơ sớm nhất anh viết trong tập thơ này là năm nào?

Năm 1979, khi tôi đang học lớp 10 ở trường Việt Đức, Hà Nội. Đó là bài "Xem ảnh." Nó ngẫu nhiên vang lên trong tôi khi tôi nhặt được một bức ảnh của cô bạn gái cùng trường mà tôi rất mê... Tấm ảnh đó được chụp để làm thẻ học sinh và cô bạn gái bé bỏng ấy có lẽ vì căng thẳng nên cứ mím môi lại, ngộ nghĩnh lắm. Nhưng với tôi, hình ảnh ấy lại gợi nên cảm xúc khác: “Ngang vai tóc thả mượt mà/ Mắt nhìn ai mắt thoảng qua nét cười? Dịu dàng khẽ mím bờ môi/ Chắc em không biết có người hôn em...”

Hồi đó, ở tuổi 16-17, gọi bạn học cùng khóa là em và lại nói tới chuyện hôn cũng đã là một sự táo tợn lắm rồi...
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh thấy mình có gì khác so với những năm đầu đến với thơ?

Có và không. Thêm tuổi thì thêm yếm thế, nhưng bản tính tôi vẫn như lúc trẻ. Lắm khi tự nghĩ về mình, tôi thấy lạ vì tôi đã ngót ngũ thập rồi, trong khi rất nhiều tâm sự của tôi vẫn như lúc tôi hồi trẻ... Tôi không đánh mất niềm tin vào cõi đời này. Tôi vẫn còn đủ thế mạnh để sống hồn nhiên mà vẫn không bị thua thiệt. Và tôi vẫn còn rất đông những người hiểu tôi, tin tôi, nương nhẹ tôi, ngay cả khi tôi vô tình làm họ bị tổn thương hay đau đớn...

Và bây giờ đối với tôi quan trọng nhất vẫn là mỗi ngày được sống đúng mình chứ không phải cố gắng ép xác với hy vọng rốt cuộc sẽ leo lên được một cái đích nào đó. Tôi vẫn như xưa và nghĩ rằng, cái đích duy nhất của cuộc sống là mỗi ngày sống cho tử tế, mỗi ngày làm việc cho tốt...


Vậy nói ngắn gọn, thơ đã cho anh những gì và lấy mất của anh những gì?


Thơ đã cứu tôi khỏi tuyệt vọng. Ngay từ khi còn bé, tôi đã có những cảm xúc bi quan về kiếp nhân sinh và vì có thơ nên tôi mới không có những hành động dại dột. Khi một bài thơ sinh ra là một lần ta thoát khỏi vòng tay đeo bám của những suy tư u ám...

Dù thơ luôn dẫn tôi theo kiểu đường quang không đi chỉ đâm quàng bụi rậm, tôi vẫn quan niệm rằng, sinh ra ở đời là được chứ không bao giờ là mất, vì trong kiếp người, mất thực ra cũng là được... Tôi vẫn nghĩ, không có thơ thì tôi còn có gì nữa?! Cho nên dù có lận đận bao nhiêu với thơ thì cũng không phải tại thơ mà là tại cái số của mình như thế. Với lại, tôi đã quen với những sự lận đận và chênh vênh rồi nên nếu không sống như thế thì hẳn tôi sẽ cảm thấy tẻ nhạt lắm...

Chỉ tính riêng về thơ, hiện anh có nhớ mình đã sáng tác bao nhiêu bài thơ rồi và đã có bao nhiêu tập thơ được xuất bản?

Thực sự tôi vẫn chưa có dịp để ngồi thống kê xem mình đã viết được bao nhiêu bài. Còn về số tập thơ thì đâu đó trên dưới 10 tập. Và mỗi bài thơ đối với tôi đều là những kỷ niệm lớn. Khó có thể kể riêng rẽ lắm. Để làm việc đó, cần phải viết nhiều cuốn sách...

Nếu một cô gái vừa quen ép nhà thơ Hồng Thanh Quang tặng mình một bài thơ trong khi anh chưa sẵn sàng, anh sẽ làm thế nào?

Chẳng ai ép được tôi làm thơ cả, mặc dù tôi có khả năng ngẫu hứng rất cao. Tôi luôn có cảm giác như ở trong mình tràn ngập những câu thơ mà chỉ cần chờ ai đó chích một mũi kim tình cảm vào là lập tức thơ sẽ vang lên, thậm chí nằm ngoài cả ý muốn của tôi.

Trong rất nhiều giấc mơ của tôi, tôi đã thấy mình viết được những bài thơ cực hay, có điều, khi tỉnh dậy, tôi không thể nào nhớ lại được hết những câu thơ ấy... Đôi khi tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, có lẽ những bài thơ hay nhất của tôi lại là những bài thơ tôi đã để lạc mất trong các giấc mơ...

Là một nhà thơ, anh mong gì ở những người đọc tác phẩm của mình? Và ngược lại, trong tư cách người đọc, anh mong tìm thấy điều gì khi đọc thi phẩm của những nhà thơ khác?

Tôi nghĩ, thơ là sự thành thật nhất mà con người có thể có được. Và tôi chỉ mong muốn rằng, nếu ai đó đọc thơ tôi thì sẽ hiểu rằng, đã có người từng phải đau đớn hơn họ nhưng vẫn vượt qua được mọi trắc trở để mà sống và tin vào cuộc sống này.

Và với tư cách độc giả, tôi luôn muốn tìm sự an ủi trong tác phẩm của các nhà thơ khác. Thời tôi còn trẻ, tôi thuộc rất nhiều thơ của những người khác vì tôi đã rất cần chỗ dựa tinh thần ở những bài thơ ấy...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần