Thí sinh lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia 2019

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm trạng lo lắng, băn khoăn luôn là tâm lý chung của thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt năm nay, việc thay đổi về tỷ lệ điểm bài thi cũng khiến thí sinh rất quan tâm.

Chung tâm trạng
Bước vào kỳ thi THPT Quốc gia - kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh, mỗi thí sinh, phụ huynh đều không thể tránh khỏi tâm lý căng thẳng, lo lắng. Những ngày này, để tâm lý không ảnh hưởng tới kỳ thi, nhiều phụ huynh đã đưa con tới các điểm vui chơi hay các miếu, đền để cầu may, tuy nhiên tâm trạng khác nhau vẫn thể hiện rõ trên gương mặt thí sinh.
Trước kỳ thi, em Phạm Quỳnh Anh - THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân vừa lo lắng vừa háo hức chia sẻ: Lo lắng vì đây là kỳ thi quan trọng, ảnh hưởng tới tương lai của em, không biết vào phòng thi sẽ như thế nào, áp lực, stress hay không? Chỉ còn một ngày nữa là kỳ thi diễn ra, em tự tin với môn Văn nhưng lại lo lắng môn Toán.
Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là môn em dành nhiều thời gian học nhất vì đây là môn có các dạng bài khác nhau. Tuy lo lắng lắng nhưng hiện tại, Quỳnh Anh vẫn tự tin ở mức 85% kiến thức để bước vào phòng thi. 
 Thí sinh có chung tâm trạng lo lắng trước kỳ thi. Ảnh: Internet.
Thời gian qua, ngoài học ở trường, Quỳnh Anh còn đăng ký học thêm ở ngoài và tập trung làm nhiều đề Toán, Anh. Sau thời tập trung cao độ để ôn thi, 2 ngày nay, Quỳnh Anh nghỉ ngơi để chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi. Năm nay, Quỳnh Anh đã đăng ký 7 nguyện vọng (NV) vào 5 trường nhưng hy vọng nhất vẫn là NV vào Đại học Thương mại Hà Nội.
Tương tự, em Hoàng Minh Quân - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy chỉ mong đủ điểm tốt nghiệp để vượt qua kỳ thi. Đến thời điểm hiện tại, Quân vẫn lo lắng khi tổ hợp tự nhiên (Sinh, Hóa, Lý) học kém nhất trong các môn. Vì vậy, cậu đã dành thời gian ôn luyện môn Văn nhiều với hy vọng sẽ kéo điểm tổ hợp này lên.
Quân cho biết, trường đã tổ chức 3 lần thi thử để đánh giá năng lực thí sinh. Qua đó, em rút được nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn chưa hết lo lắng vì nhiều thay đổi trong kỳ thi năm nay. Đặc biệt, là sự thay đổi trong cấu trúc đề và thể thức thi 70 - 30 (70% điểm thi, 30% điểm tốt nghiệp) thay vì 50 - 50 như trước đây.
Ngoài việc lo lắng về cách tính điểm, Đào Thúy Hiền - THPT Đào Duy Từ (Thanh Xuân) lo lắng về độ khó của bài thi so. “Kỳ thi năm nay có sự thay đổi rõ rệt so với năm trước, vì vậy, em đã tập trung ôn luyện đề; thường xuyên, cập nhật những điểm mới để có thể làm bài thi một cách tốt nhất” - Hiền cho hay.
Thực hiện đúng quy chế thi
Trước kỳ thi THPT Quốc gia đã cận kề, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, thí sinh nên chuẩn bị tâm thế, kiến thức thật tốt để tự tin, chủ động hoàn thành tốt các bài thi, môn thi đã đăng ký. Thí sinh cũng cần nắm chắc quy chế, đặc biệt là quy định không được mang điện thoại vào phòng thi (một lỗi cơ bản mà năm nào cũng có thí sinh mắc phải và bị đình chỉ thi).
Thí sinh yên tâm vì Bộ GD&ĐT, các trường đại học/cao đẳng, các địa phương và Bộ, ngành liên quan đã vào cuộc sát sao, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng không căng thẳng.
Để hoàn thành tốt bài thi, Thứ trưởng khuyên các thí sinh cần có có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức. Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu yêu cầu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.
Đặc biệt, kỷ luật trường thi rất nghiêm ngặt, do đó, thí sinh phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi, tuyệt đối không đem vào phòng thi những dụng cụ không được phép, nhất là điện thoại di động. Khi thực hiện đúng quy chế, tâm lý các em mới ổn định và tập trung làm bài tốt.
Lịch thi THPT Quốc gia 2019:
 
Từ ngày 25 - 27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Trong đó, trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, việc thay đổi tỷ lệ điểm bài thi, điểm trung bình cả năm học lớp 12 cũng được điều chỉnh với 70% điểm bài thi, 30% điểm học bạ thay vì cách tính 50% bài thi + 50% học bạ cũng khiến nhiều thí sinh lo lắng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần