Thi THPT Quốc gia 2017: Chú trọng tư vấn, định hướng nghề cho học sinh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với các năm trước, bên cạnh tư vấn lựa chọn môn thi tổ hợp, các trường phổ thông đều chú trọng định hướng chọn ngành, môn thi cho học sinh (HS).

Vì thế, năm nay không còn hiện tượng “trắng” thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử như một số năm trước.
Nhiều thí sinh chọn môn Sử
Thời điểm này, nhiều trường THPT của Hà Nội đã cho HS đăng ký môn thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào ngày 22/6 tới. Qua khảo sát sơ bộ, số HS chọn bài thi theo tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN - Vật lý, Hóa học, Sinh học) vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng lượng thí sinh chọn bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội (KHXH - Địa lý, Giáo dục công dân, Lịch sử) cũng không quá thấp.

Giờ học của cô và trò lớp 12B trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: Công Hùng

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết: “Với những điểm mới của kỳ thi, từ Ban giám hiệu đến các bộ môn cũng đều thấy rằng dù là trắc nghiệm hay tự luận thì HS vẫn phải chắc cơ bản. Khi đã chắc kiến thức cơ bản rồi thì xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm đảm bảo ma trận đề, điều mà các bộ môn cần quan tâm”.
Theo phản ánh của lãnh đạo các trường, đây mới chỉ là khảo sát ban đầu, tỷ lệ thí sinh đăng ký các tổ hợp môn còn thay đổi. Thống kê sơ bộ cho thấy, đa số HS đều chọn một trong 2 tổ hợp môn để đăng ký dự thi, chưa thấy HS nào đăng ký cả hai tổ hợp môn.
Cân nhắc khi chọn trường
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, ngoài tổ chức cho HS làm các bài kiểm tra theo hình thức thi trắc nghiệm để làm quen, công tác hướng nghiệp cũng được các nhà trường chú trọng.
Sáng 4/3, trường THPT Yên Hòa đã tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho HS khối 12. Lãnh đạo nhà trường khẳng định, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho HS là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, người lao động Việt Nam phải cạnh tranh từng vị trí việc làm với đội ngũ nhân lực đến từ các nước có trình độ tay nghề cao, trình độ tiếng Anh, tin học thành thạo. Trong một thị trường lao động cạnh tranh quyết liệt, việc lựa chọn nghề mình thích là chưa đủ, mà còn cần cân nhắc năng lực bản thân có đủ để trúng tuyển và đủ điều kiện theo học ngành nghề đó không; nhu cầu của thị trường nhân lực thời điểm tốt nghiệp là điều không thể bỏ qua… Chọn nghề cần tính tới yếu tố đam mê, lòng ham thích, bởi đó là động lực để vượt khó, vươn lên. Ngay cả khi chọn nghề đúng nhưng nếu như không tự hoàn thiện năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai thì cũng khó có được một nghề tốt. Bởi vậy, chính HS là người quyết định số phận của mình.
Tại trường THPT Việt Đức, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch dạy - học, tăng tiết đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho HS lớp 12, ôn tập theo hình thức cuốn chiếu với 6 môn (3 môn tổ hợp KHTN, KHXH), trường rất chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Các buổi tư vấn đều hướng dẫn và phân tích cho các em thấy rõ năng lực và sở trường môn học, yêu thích ngành, nghề nào... từ đó hướng các em học ôn và đăng ký xét tuyển theo sở thích năng lực của mình.
Trước những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12; có phương án ôn tập cho HS theo hình thức vừa học vừa ôn tập. Đặc biệt, các nhà trường rà soát, phân loại trình độ HS để tư vấn hướng nghiệp phù hợp.