Thi THPT Quốc gia 2019: Giáo viên, giảng viên không coi, chấm thi ở địa phương mình

Oanh Trần - Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được cải tiến ở phương thức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả bài thi. Giáo viên và giảng viên đại học không coi thi, chấm thi ở địa phương mình để đảm bảo tính khách quan.

Hôm nay 13/9, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra”. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin về những giải pháp cơ bản tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức thi, với sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình triển khai. Đặc biệt năm 2015, Bộ đã chính thức tiến hành kỳ thi THPT Quốc gia, làm cơ sở căn cứ điều chỉnh công tác dạy và học cho phù hợp với yêu cầu đổi mới, làm cơ sở cho các trường đại học (ĐH), trường chuyên nghiệp, nếu tin cậy, thì có thể sử dụng để tuyển sinh.
Năm 2016 - 2017, việc đổi mới dần theo hướng chỉ còn 1 cụm thi, tại 1 tỉnh, năm học 2017 – 2018, tổ chức cụm thi duy nhất do Sở GD & ĐT và các trường đại học tham gia, với phương thức và sự phối hợp chặt chẽ sâ, trong đó 50% giáo viên các trường ĐH và 50% giáo viên trường phổ thông.
“Với kỳ thi như vậy đã làm tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội, tình trạng ùn tắc giao thông khi bố mẹ và học sinh đi thi, giảm đi lại vất vả cho người học và gia đình, giảm dạy thêm học thêm” – Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.
Tuy còn những bất cập năm 2018, nhưng theo Thứ trưởng Độ, phương án thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Phương án thi này cũng đã được Chính phủ đồng ý giữ ổn định cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm nay.
Thứ trưởng Độ cho biết, trước những tồn tại của kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã có những nội dung điều chỉnh để nâng cao chất lượng kỳ thi như: bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa. Qua đó, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra; Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các sở để có kỳ thi chất lượng.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các sở GD&ĐT để có kỳ thi chất lượng. Đối với công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi, Bộ sẽ đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát. Phương thức tổ chức coi thi, chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cũng được cải tiến để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Theo đó, giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình; giảng viên đại học cũng không coi thi, chấm thi ở địa phương mình.