Thi thử THPT quốc gia tại Hà Nội: Đề Ngữ Văn tích hợp kiến thức lịch sử

Nhóm PV KTĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/3, toàn bộ học sinh khối 12 của Hà Nội bước vào làm bài thi môn Ngữ văn trong đợt kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 (hay còn gọi là kỳ thi thử THPT quốc gia 2019) do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

Học sinh làm bài thi dưới dạng tự luận, trong thời gian 120phút.
Đề thi do Sở GD&ĐT Hà Nội ra theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12, trong đó, chủ yếu ở chương trình lớp 12.
Việc tổ chức khảo sát, công tác in sao đề thi, chấm thi được thực hiện như kỳ thi THPT quốc gia, đảm bảo 7 phòng kiểm tra có một cán bộ giám sát và một phó hiệu trưởng làm tổ trưởng. Việc tổ chức kỳ thi này với mục đích khảo sát kiến thức của học sinh, cũng như giúp các em ôn luyện, tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.
Kết thúc thời gian làm bài môn Ngữ văn, nhiều học sinh cho rằng, đề thi thử không quá khó, phần nghị luận xã hội hay đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử.
 
 

Em Nguyễn Trường Tú - học sinh lớp 12D4, trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cho rằng, đề thi Ngữ văn vừa sức, tích hợp nhiều kiến thức lịch sử, phần nghị luận xã hội hay nhưng xa rời thực tế, không gần gũi với đời sống giới trẻ hiện nay. Để làm được tốt phần thi nghị luận, học sinh đòi hỏi phải có kiến thức lịch sử, hiểu và biết được tình hình xã hội hiện nay để liên hệ thực tiễn. Gặp khó khăn với phần nghị luận xã hội, em Tú ước chỉ được khoảng 5 - 6 điểm môn Ngữ Văn. 

 Mặc dù chưa hết giờ làm bài những nhiều thí sinh tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông đã ra khỏi phòng

Một học sinh lớp 12 trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) cho hay, do phần nghị luận xã hội "khó" mà em lại kém môn lịch sử nên đã không làm câu này": "Muốn làm phần nghị luận xã hội này ít nhất phải biết một vài nhân vật thanh niên trong thời chiến tranh và những hoạt động của họ nhưng em không nhớ được và chỉ biết mỗi bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua phần đọc hiểu ở phần I".

Không hài lòng với bài làm của mình, em Lê Quỳnh Hương - học sinh lớp 12A3, trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông cho rằng, đề thi khó với học sinh khối tự nhiên. Theo em Hương, điểm yếu của học sinh hiện nay là môn Sử mà đề thi đòi hỏi nhiều kiến thức lịch sử lồng ghép nên càng khó hơn với học sinh.

Là một học sinh học khá môn Ngữ văn, em Nguyễn Bích Ngọc - học sinh lớp 12D3, trường THPT Việt Nam - Ba Lan lại đánh giá: "Đề thi năm nay dễ hơn năm trước, độ khó vừa, bám sát nội dung sách giáo khoa. Câu liên hệ phần nghị luận xã hội dễ "chém". Khó nhất là câu 2 phân tích bài Sóng vì bản thân em chưa ôn tập kỹ bài này". Ngọc tự chấm sẽ được khoảng 7 điểm.

Với em Nguyễn Thế Huy - học sinh lớp 12D2, trường THPT Việt Nam - Ba Lan (quận Hoàng Mai), do đã ôn tập kỹ và tự đánh giá mình học đều các môn nên Huy thấy Ngữ Văn phù hợp với khả năng, sát nội dung ôn tập. Huy tự tin mình có khả năng được 7 điểm vì đã làm xong bài trước 15 phút. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần