Thi tốt nghiệp THPT 2020: Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Kim Thỏa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia phối hợp thanh tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được các trường đại học (ĐH) hoàn tất. Ngoài ra, việc bố trí một lượng chỉ tiêu phù hợp dành cho các thí sinh phải thi THPT đợt 2 do dịch Covid-19 cũng được các trường chú trọng, cân nhắc.

Thanh tra thi phải có đủ phẩm chất
Theo văn bản hướng dẫn số 1849/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT mới đây, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, lực lượng giảng viên các trường ĐH sẽ không phải tham gia công tác coi thi, chấm thi như mọi năm mà sẽ tham gia đoàn thanh tra thi của Bộ. Dự kiến, có gần 6.000 cán bộ, giảng viên đến từ hơn 130 cơ sở giáo dục ĐH năm nay sẽ tham gia thanh tra thi. Trong đó, kiểm tra khâu in sao đề thi là 68 người; thanh tra, kiểm tra khâu coi thi là 5.796 người và khâu chấm thi là 130 người.
TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, trường đã lên danh sách 37 cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra cùng với Bộ GD&ĐT tại tỉnh Lạng Sơn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc nắm vững kiến thức, kỹ năng khi thanh tra để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận mà không ảnh hưởng đến thí sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những cán bộ, giảng viên được cử đi thanh tra đã qua sàng lọc ngay từ đầu để bảo đảm các yêu cầu theo quy định. "Nhân sự tham gia công tác thanh tra phải là người có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và có ý thức, trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan" - TS Nguyễn Đào Tùng cho biết thêm.
 Học sinh khối 12 trường THPT Kim Liên ôn tập bài vở. Ảnh: Chiến Công
Có gần 70 cán bộ, giảng viên tham gia thanh tra kỳ thi cùng Bộ GD&ĐT, trường ĐH Ngoại thương luôn quán triệt tới đội ngũ này phải thực hiện nghiêm túc quy chế của Bộ. Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh: “Những ai đạt yêu cầu mới được tham gia công tác thanh tra, ai chưa đạt nhất quyết sẽ bị loại ra khỏi danh sách. Năm nay do đặc thù dịch bệnh và nhiệm vụ mới nên càng phải chú trọng khâu tuyển chọn người”.
"Để dành" chỉ tiêu cho đợt 2
Bên cạnh công tác thanh tra thi, các trường ĐH cũng đang lên phương án làm sao để dành một lượng chỉ tiêu phù hợp cho thí sinh thuộc diện F1, F2 hoặc các khu vực bị cách ly xã hội do dịch Covid-19 sẽ phải tham gia thi THPT năm 2020 đợt 2. Theo Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, với phương thức tuyển sinh như hiện nay, trường căn cứ vào danh sách các tỉnh, thành phải thực hiện cách ly xã hội vì dịch Covid-19 để thống kê tỷ lệ học sinh ở các địa phương này đỗ vào ĐH Bách khoa những năm trước. Từ đó, nhà trường sẽ có điều chỉnh về chỉ tiêu cũng như đề án tuyển sinh và xin ý kiến Bộ GD&ĐT, bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đào Tùng đưa ra hai phương án. Thứ nhất, từng trường ĐH sẽ thống kê chỉ tiêu thí sinh đến từ những tỉnh, thành có dịch mà phải cách ly xã hội đã đăng ký nguyện vọng với trường để tính toán lượng chỉ tiêu phù hợp. Thứ hai, các trường gọi thêm thí sinh ở đợt 2 mà vượt quá ngưỡng 5% tổng chỉ tiêu, phải có sự điều chỉnh chỉ tiêu vào năm sau và được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT.
Ở phương án 1, các trường chủ động để lại phần trăm chỉ tiêu nhưng khi gọi thí sinh thì vẫn còn một lượng thí sinh ảo. Ví dụ, Học viện Tài chính năm nay tuyển khoảng 4.200 chỉ tiêu nhưng đợt 1 tuyển được 4.100 chỉ tiêu và còn khoảng 100 chỉ tiêu để dành cho đợt 2. Ở những tỉnh, thành tổ chức thi THPT đợt 2, có những thí sinh vẫn giữ nguyên nguyện vọng xét tuyển vào trường thì trường sẽ xét theo đúng nguyện vọng đăng ký ban đầu.
Theo thống kê, số sinh viên ở các tỉnh, thành như Quảng Nam, Đà Nẵng đỗ vào trường những năm trước là hơn 50 em. Đối với xét tuyển đợt 2, nhà trường sẽ lấy điểm chuẩn tương đương với điểm chuẩn đợt 1. Với những em được đặc cách tốt nghiệp, trường sẽ cân nhắc dựa trên kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. 

Ngày 6/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (GDMN) về thực hiện tuyển sinh trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, bảo đảm công bằng, khách quan và quyền lợi của thí sinh trên cả nước. Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh chưa tham dự Kỳ thi trong các ngày từ 8 - 10/8/2020 do Covid-19.