Thị trường bán lẻ Việt Nam: Đón luồng sinh khí mới từ EVFTA

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các DN bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ DN nước ngoài trong cuộc đua giành thị phần.

Chuẩn bị đón làn sóng đầu tư từ EU
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển khi EVFTA có hiệu lực. Thống kê cho thấy, cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam từ 18 - 50 tuổi chiếm 60%, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philipines, Thái Lan, Malaysia, Singapore đạt mức 33 - 90%.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết: Khi Hiệp định EVFTA được thực thi, sẽ thúc đẩy các luồng vốn EU đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam qua đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại nội địa.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Thu Hương
Đồng tình với phân tích này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ: Việc mở cửa thị trường nội địa sẽ tạo cơ hội cho DN và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân. Đồng thời, DN Việt có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý thương mại hiện đại từ EU… qua đó hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ được hiện đại hóa, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU.
Trong thời gian qua, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam thông qua các tập đoàn bán lẻ như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn. “Trong tương lai gần, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là lý do khiến DN bán lẻ EU đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam” - ông Trần Duy Đông dự báo.
Nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh
Mặc dù EVFTA tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư FDI vào thị trường bán lẻ nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với DN Việt Nam nói chung, DN bán lẻ nói riêng. Hiện chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, BRG Retail… đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ,
Thực tế cho thấy, việc hệ thống siêu thị nước ngoài như Big C, Aeon... mở rộng hệ thống bán lẻ đã khiến nhiều hàng hóa thương hiệu Việt Nam bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. Để hỗ trợ DN khắc phục những khó khăn này, các DN bán lẻ kiến nghị: Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ DN phát triển hệ thống Logistic thương mại. Đồng thời xây dựng các biện pháp bảo vệ DN nội địa theo hướng tạo lập các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN nước ngoài, không để DN nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn DN nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi chính bản thân DN cần thay đổi để thích ứng trước những tác động tiêu cực của EVFTA. Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân nêu rõ: DN bán lẻ cần nghiên cứu kỹ các nội dung, quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA. Đồng thời DN tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường... qua đó tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhấn mạnh: “DN phải chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu DN” - ông Thân chia sẻ thêm.

"Hàng Việt sẽ ít bị cạnh tranh bởi cơ cấu hàng hóa của Việt Nam - EU mang tính hỗ trợ bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Tỷ lệ hàng hóa Việt tại các siêu thị vẫn sẽ được duy trì ở mức cao, cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90 - 93%, ở Satra 90 - 95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài như Lotte, BigC, AEON – Citimart, TTTM Emart cũng chiếm từ 65 - 96%." - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga