Nhiều hơn “những ô cửa sáng đèn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là lời nhận xét ngắn gọn và súc tích của GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khi đánh giá về bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015.

Sau 2 năm đi lên từ điểm đáy, giờ đây thị trường đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho chu kỳ phát triển mới. Dĩ nhiên, trước những dấu hiệu tích cực hiển hiện về chính sách, tỷ lệ mở bán căn hộ, giới DN BĐS hoàn toàn có thể kỳ vọng về một tương lai tươi sáng trong năm tới.
Những luồng gió mới
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam: “Đến cuối năm 2014, thị trường BĐS đã có bước chuyển động tích cực và hiện tại đang trong quá trình phục hồi, phát triển mạnh mẽ… chứng tỏ các chính sách, giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này đã “trúng” và đi vào cuộc sống”.

Những khung pháp lý cởi mở về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cùng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã có tác dụng “kích” cầu BĐS. Tăng trưởng GDP (trên 6,5%) cộng với “sức khỏe” tốt hơn của các ngân hàng cũng tác động tích cực đến thị trường.
Ảnh: Vân Hằng
Ảnh: Vân Hằng
Các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra những triển vọng tươi sáng trong tương lai. Ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại để mắt đến thị trường BĐS Việt Nam thông qua chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A). Họ “săn tìm” những dự án được đầu tư tốt, khả năng sinh lời cao và giá rẻ hơn giá thị trường.

Năm 2015, đầu tư kinh doanh BĐS đứng thứ ba về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 19 dự án đầu tư mới và 7 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỷ USD. Nếu nhìn một cách lâu dài, những sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu người mua thì sẽ chiếm được thị trường. Thời điểm trước, thị trường là của người bán, nhưng nay thuộc về người mua.

Các chủ đầu tư tồn tại được trong giai đoạn khó khăn đã trở nên mạnh mẽ và đổi mới hơn - điều chỉnh lại chiến lược và sản phẩm chào bán để đón đầu nhu cầu thực tiềm năng, do đó càng làm kích thích nhu cầu. Tính phải chăng của các sản phẩm trong tất cả các phân khúc được cải thiện với việc giảm diện tích căn hộ và các sản phẩm hoàn toàn mới từ các thị trường ngách đã xuất hiện.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm tỷ lệ rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống 150% đã khơi thông dòng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, giúp các DN trong ngành nối lại hoạt động bán hàng và đầu tư cho các dự án. Bên cạnh đó, lãi suất vay thấp và có xu hướng duy trì ổn định giúp giảm áp lực về chi phí lãi vay đối với những DN đã vay nợ nhiều trong các năm trước.

Điểm nhấn chất lượng giao dịch

Trong năm 2015, số lượng giao dịch được cải thiện trên nhiều phân khúc, đặc biệt là phân khúc thị trường căn hộ. Theo thống kê từ VNREA, lượng căn hộ bán ra tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tháng tại mỗi nơi đều đảm bảo được từ 1.500 - 1.900 giao dịch.

Chất lượng giao dịch có sự thay đổi với sự chuyển biến mạnh mẽ của phân khúc căn hộ cao cấp ở cả hai đầu cung - cầu. Nếu như 6 tháng đầu năm, giao dịch chủ yếu hướng vào phân khúc nhà ở giá rẻ có giá 15 - 20 triệu đồng/m2, thì 6 tháng cuối năm, nhiều sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình và giá cao trên 30 - 40 triệu đồng/m2 được người mua đặc biệt quan tâm.

Nguồn cung căn hộ cao cấp chiếm 70% số căn hộ được chào bán trên thị trường. Giao dịch nặng vào phân khúc giá rẻ chuyển sang giao dịch nặng hơn vào phân khúc giá trung bình và cao. Khi giao dịch với giá BĐS tăng tức là thị trường đã bộc lộ sức phát triển. Giao dịch càng nhiều, giá cao tăng thì càng thấy được sự ấm lên của thị trường BĐS để tạo đà cho các năm 2016, 2017. Mức tăng của lượng giao dịch thành công đã giúp lượng hàng tồn kho giảm đều đặn trong năm 2015.

Tại thời điểm cuối tháng 11/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS cả nước còn khoảng 53.245 tỷ đồng, giảm 75.303 tỷ đồng so với quý I/2013; giảm 41.213 tỷ đồng so với tháng 12/2013; giảm 3.041 tỷ đồng so với thời điểm 20/10/2015.

Tháo “đá” bơi qua sông

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ: “Thị trường BĐS như người đeo đá bơi qua sông và hiện tại đã ở bờ bên kia rồi, giờ chỉ còn một chút đá “quẳng” đi là xong. Với những khó khăn đã trải qua ở hiện tại, chuyện cởi bỏ nốt vướng mắc là hoàn toàn có thể trong năm 2016”.

Cùng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV dự báo: “Năm 2016 sẽ là năm triển vọng của thị trường BĐS nhà ở. Các yếu tố kinh tế vĩ mô được cho là ổn định trong năm 2015 sẽ tác động mạnh lên nhu cầu nhà ở trong tương lai”.

Tại Hà Nội, tính thanh khoản và nhu cầu đến từ người mua thực và các nhà đầu tư dài hạn có thể tăng lên đáng kể. Điều này sẽ điều khiển lượng giao dịch và giá bán tăng nhẹ. Một yếu tố đáng chú ý là nhu cầu đến từ các tỉnh, thành và các khu vực lân cận ngoại thành Hà Nội có thể tăng cao, đặc biệt đối với nhà ở phân khúc hạng cao và trung với giá cả phải chăng. Các chủ đầu tư sẽ chú ý hơn tới quá trình xây dựng, thiết kế chất lượng công trình và cơ sở hạ tầng của từng dự án. Cùng với đó, các ngân hàng trong nước hiện nay cũng thắt chặt việc cho vay, mặc cho thị trường vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng tín dụng đang chảy vào.

“Thị trường M&A năm 2016 cũng sẽ diễn ra khá sôi động, thông qua các yếu tố chung như sàng lọc tài chính và kinh nghiệm phát triển dự án của các chủ đầu tư. Việc hội nhập sâu rộng vào sân chơi kinh tế thế giới sẽ góp phần mang đến thị trường M&A các nhà đầu tư ngoại đủ tiềm lực tài chính và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam” - ông Lực dự đoán.
Năm của sản phẩm chất lượng

Trong năm 2015 vừa qua, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Đó là kết quả tất yếu sau những biến cố cần thiết. Thời kỳ khủng hoảng đã cho phép thanh lọc những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, chấm dứt thời kỳ nhà nhà làm BĐS. Năm 2016 sẽ còn tốt hơn năm 2015. Điều đó chỉ đồng nghĩa với những sản phẩm có chất lượng tốt, định vị đúng phân khúc. Thị trường cho dòng sản phẩm ít chú trọng tới chất lượng mà chỉ theo đuổi giá thành sẽ dần thu hẹp lại. Người tiêu dùng hôm nay đã khác người tiêu dùng hôm qua. Những dự án từ những chủ đầu tư coi trọng xây dựng tên tuổi hơn lợi nhuận trước mắt hoặc những dự án liên doanh với những nhà phát triển có tên tuổi lớn trên thế giới sẽ là động lực thúc đẩy thị trường 2016.

Giám đốc Ban phát triển dự án - Tập đoàn Bitexco Trần Thế Việt