Thị trường bất động sản cho thuê: Giảm giá vẫn khó hút khách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang ngày càng hiện rõ và làm suy yếu triển vọng của thị trường bất động sản (BĐS), trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phân khúc bán lẻ và nghỉ dưỡng.

Giá thuê giảm sút
Ông Lê Xuân Vinh – chủ khách sạn Hanoi Little Town tại phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại, khách sạn đã phải đóng cửa không thể hoạt động vì vắng khách, trong khi đó tiền thuê của quý I/2020 đã thanh toán.
"Chúng tôi đành phải chấp nhận chịu lỗ. Không chỉ riêng cơ sở này mà chuỗi các mặt bằng tôi thuê lại để kinh doanh khách sạn trong khu vực phố cổ Hà Nội cũng phải dừng hoạt động vì không có khách” – ông Vinh chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Xuân Vinh, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh doanh lưu trú, du lịch tại khu vực phố cổ Hà Nội bị đình trệ, doanh thu giảm sút mạnh. Nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, kéo theo giá thuê cũng giảm mạnh.
Phân khúc BĐS du lịch, lưu trú được ghi nhận giảm sút chung trên toàn thị trường.
 Hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến thị trường cho thuê thiếu hấp dẫn. Ảnh: Doãn Thành
Phân khúc này phụ thuộc chủ yếu vào lượng khách quốc tế, trong khi đó khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm từ 55 - 60% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mỗi năm.
“Khi xảy ra đại dịch Covid-19 các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam bị dừng lại, trong khi đó khách nội địa cũng hoãn các chuyến du lịch của họ. Các khu vực có hoạt động du lịch bị mất khách, kinh doanh lưu trú vì thế mà gặp khó khăn. Các chủ cho thuê mặt bằng để kinh doanh lưu trú tại khu vực phố cổ Hà Nội đã phải giảm tới 50%, những cơ sở phải đóng cửa không hoạt động thì bên cho thuê buộc phải dừng thu tiền thuê hàng tháng” – ông Vinh cho biết thêm.
Ngoài phân khúc BĐS du lịch – lưu trú, phân khúc BĐS cho thuê bán lẻ cũng ghi nhận sự giảm sút mạnh về giá thuê. Số liệu khảo sát từ Công ty CBRE Việt Nam, nhiều trung tâm thương mại và các chủ tài sản cho thuê đã chủ động giảm từ 20 – 40% giá trị cho thuê mặt bằng ở thời điểm hiện tại. “Bên cạnh việc chủ tài sản cho thuê chủ động giảm giá thuê, rất nhiều đơn vị đi thuê đã đề nghị cắt giảm khoảng 50% giá cho thuê trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay” – đại diện Công ty CBRE cho hay.
Tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận ở một số khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (quận 1), các chủ sở hữu khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu do yêu cầu thuê nguyên căn.
Thêm vào đó, thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ. Để thu hút khách thuê, giá thuê được điều chỉnh giảm từ 10 - 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.
Gia hạn thuế giúp doanh nghiệp phục hồi
Thị trường BĐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm gần đây, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”. Theo đó, các hoạt động của DN bị gián đoạn, đảo lộn, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng - khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh.
Dịch cũng làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Đồng thời làm tăng chi phí đầu tư, vốn, lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; tăng khả năng DN bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động, nguy cơ DN bị rơi vào thua lỗ, phá sản...
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN BĐS cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định của Nhà nước và cơ quan y tế có thẩm quyền về các biện pháp phòng, chống dịch; không tổ chức các sự kiện đông người (như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…), hạn chế các cuộc họp không cần thiết.
“Các DN BĐS cần phải điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan như lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin… Đồng thời thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng như giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian”- ông Châu nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, mặc dù đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là một khoảng thời gian tốt để cho các DN BĐS thực hiện chiến lược tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong đó tái đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng. Do vậy, những chính sách tháo gỡ khó khăn trong lúc này sẽ là “liều thuốc” quan trọng để các DN duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất, kinh doanh khi hết dịch.
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, các DN rất cần Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…) cũng như xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường phục hồi.
“HoREA đã có văn bản đề nghị Chính phủ bổ sung DN BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đồng thời xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội quý II/2020 đối với các DN, trong đó có DN BĐS. Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các DN, trong đó có DN BĐS” – ông Châu nói.

"Những DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực BĐS là nhóm DN gặp nhiều khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách liên quan đến thuế. Nhưng các DN cũng cần phải nỗ lực cùng Nhà nước để vượt qua giai đoạn này, vì việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ về thuế cần phải hài hòa giữa lợi ích của DN và Nhà nước." - Chuyên gia tài chính, TS Đoàn Văn Cương