Thị trường bất động sản rất thiếu căn hộ nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2016 - 2020, thị trường bất động sản (BĐS) đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương, đã được kiểm soát kịp thời. Tuy nhiên, vẫn thiếu sản phẩm nhà ở giá thấp...

Thị trường tiếp tục tăng trưởng
Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, thị trường BĐS đã có sự phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hiệu quả thể hiện qua các yếu tố: Giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa dần được điều chỉnh, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho liên tục giảm mạnh.
Thị trường BĐS đang xảy ra tình trạng lệch pha nguồn cung, thiếu nhà ở giá rẻ.
Tổng dư nợ tín dụng trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS tiếp tục tăng trưởng; gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ cuối năm 2016; đầu tư nước ngoài FDI vào lĩnh vực BĐS sản liên tục tăng; các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh... Đạt được kết quả trên là do đã tập trung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, thực hiện tái cơ cấu thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo yêu cầu thực của thị trường.
“Giai đoạn 2016 - 2020, thị trường BĐS đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Thị trường cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn” - ông Tạ Quang Vinh cho hay.
Lệch pha giữa các phân khúc
Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thời gian gần đây, trên thị trường luôn xảy ra tình trạng “lệch pha” về nguồn cung sản phẩm giữa các phân khúc. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ chiếm tới 60 - 70% nhu cầu lớn trên thị trường, nhưng chỉ có khoảng 20 - 30% tổng nguồn cung sản phẩm. “Những dự án có sản phẩm giá rẻ thường có xu hướng phải tiến ra xa khu vực trung tâm, nơi có hệ thống hạ tầng chưa được hoàn thiện, dẫn đến nghịch lý là nhiều dự án không có người đến ở. Trong khi đó, đất đai ở các vùng nông thôn luôn tục tăng cao, do một số người đầu cơ thổi giá” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Đồng quan điểm, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian qua tuy cơ cấu hàng hóa BĐS đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc BĐS cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất BĐS cấp, BĐS nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
“Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và BĐS. Đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Kiểm tra tình hình thực hiện dự án BĐS cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm. Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi. Cùng với đó, triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS” - ông Tạ Quang Vinh cho biết thêm.