Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2020, nhưng vốn FDI thực hiện vẫn đạt mức khá cao, ước 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019. Phân theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD, hoạt động bán buôn bán lẻ 1,4 tỷ USD đứng thứ 4.
Như vậy, sau nhiều năm đứng vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) thì sau 10 tháng năm 2020, đăng ký đầu tư trong lĩnh vực BĐS chỉ còn chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI (gần 3,5 tỷ USD), xếp xuống vị trí thứ 3. Tuy nhiên, xét lộ trình trong năm 2020, thu hút đầu tư FDI có sự tăng trưởng tốt; nếu như trong 6 tháng đầu năm tổng lượng vốn thu hút được chỉ khoảng 0,8 tỷ USD, trong quý 3 là 2,35 tỷ USD và đến hết quý IV tổng thu hút vốn FDI đạt 3,5 tỷ USD.
“Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng có thể thấy thị trường BĐS vẫn có tín hiệu phục hồi tốt, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Sự phục hồi này kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mới từ nhóm FDI vào Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới” - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó giám đốc bộ phận Định giá và tư vấn tài chính Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tốt về thu hút vốn đầu tư FDI, do thể chế chính trị ổn định; những chính sách thu hút đầu tư luôn được Chính phủ cải thiện, các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế ghi nhận và luôn được nâng cao về thứ hạng cạnh tranh.
“Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, giá thuê nhân công và giá thuê đất để sản xuất trong khu công nghiệp rẻ hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Với nhu cầu chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp và việc thực hiện cắt giảm nguồn nhân công để giảm chi phí, chúng ta có thể thấy rằng trong thời gian qua thị trường đã đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư FDI vào BĐS khu công nghiệp và kinh doanh hạ tầng lưu trú gần khu công nghiệp, làn sóng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới” - Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Vân nhận định.