Thị trường bất động sản: Xóa điểm nghẽn để phát triển bền vững

Việt Tâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản (BĐS) ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần được sửa đổi, bổ sung, nhằm phát triển thị trường theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) khi dự báo về thị trường BĐS năm 2017.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Ông đánh giá như thế nào về thị trường BĐS năm 2016?
- Thị trường BĐS năm 2016 được đánh giá thành công ở hầu hết các phân khúc, trong đó nhà ở vừa túi tiền vẫn đang là phân khúc chủ đạo (chiếm tỷ lệ 79,7% tổng nguồn cung - PV). Tồn kho chỉ còn khoảng 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015. Giá bán căn hộ chỉ tăng khoảng trên dưới 5%, giá bán đất nền có mức tăng cao hơn - khoảng trên dưới 10% tùy theo loại sản phẩm, tiện ích, hoặc vị trí dự án.
Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Bên cạnh đó, với 500 dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án BĐS dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do GPMB, đang là phần chìm tiềm ẩn nhiều rủi ro của "tảng băng hàng tồn kho". Đáng phê phán là có một số ít DN chưa được chứng nhận đủ điều kiện vẫn triển khai bán nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng, mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn cho người mua nhà.
Nhìn chung, thị trường BĐS đã có được sự phát triển mang yếu tố bền vững, trong đó chứng kiến sự sàng lọc khá lớn, không ít DN vẫn gặp khó khăn nhưng nhiều DN đã trưởng thành với những bước đi khá vững chắc. Hiệp hội khuyến nghị các DN cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, và cần quan tâm phát triển cả nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, và người nhập cư. Việc phát triển mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ giúp tái cân bằng thị trường và giảm thiểu rủi ro trong thị trường BĐS hiện nay.
Nhận định của ông về thị trường BĐS năm 2017?
- Thị trường năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại. Nguyên nhân là do giai đoạn 2014 – 2016, thị trường đã tăng quá mạnh so với nền kinh tế; sự tham gia mạnh của các nhà đầu cơ sử dụng vay ngân hàng rất lớn, có nhu cầu thoát hàng khi nhận căn hộ; các công ty BĐS sẽ đẩy mạnh bán hàng với sự cạnh tranh giá để trả nợ; tín dụng BĐS sẽ giảm do khó khăn về nguồn vốn trung - dài hạn; nhà ở phân khúc giá thấp thiếu vốn ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước… Tuy nhiên, đây sẽ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2017, khi tiền gửi ngân hàng thiếu hấp dẫn về tích sản, vàng có xu thế giảm, tỷ giá có xu thế khó tăng hơn 5%, chứng khoán còn nhiều rủi ro, khó thu hút người mới nên đây vẫn là một thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển.
5 “điểm nghẽn” cần giải quyết
Đánh giá của ông về vai trò và sự tác động của hệ thống pháp luật, cơ chế - chính sách đối với sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua?
- Một loạt văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong các năm vừa qua như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014... đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh thị trường BĐS ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần phải được sửa đổi, bổ sung, nhằm phát triển thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Hiện có 5 "điểm nghẽn" lớn trong thị trường BĐS. Một là, "điểm nghẽn" GPMB cực kỳ khó khăn, dẫn đến tình trạng dự án không thể triển khai được, chôn vốn của DN trong thời gian dài, chưa có lối ra. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có đến 500 dự án ngừng triển khai, trong đó có 70 - 80% dự án "bất động" chủ yếu do vướng khâu GPMB. Hai là, "điểm nghẽn" tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho". Theo quy định tại điều 62 Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong một số trường hợp, trong đó có dự án xây dựng khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị. Nhưng trong thời gian qua, việc thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất các dự án xây dựng khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị để tiến hành GPMB rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư. Ba là, "điểm nghẽn" thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1, từ trên 20 tầng. Bốn là, "điểm nghẽn" chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn; lãi suất cho vay vẫn còn cao; thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội. Năm là, "điểm nghẽn" chính sách chuyển nhượng dự án BĐS nên chưa giải quyết được tình trạng khoảng 500 dự án trên địa bàn TP đang bị ngưng triển khai hiện nay, và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho.
5 “điểm nghẽn” nêu trên có thể coi là những mối lo tiềm tàng, làm suy giảm đà tăng trưởng của thị trường BĐS. Do vậy, HoREA kiến nghị các cơ quan Nhà nước nhanh chóng xem xét, áp dụng các giải pháp đồng bộ, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững...
Xin cảm ơn ông!