Thị trường cho nông sản hữu cơ: Lời giải từ liên kết chuỗi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông nghiệp hữu cơ được coi là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình sản xuất này đang gặp không ít rào cản, trong đó có bài toán thị trường tiêu thụ.

Rào cản từ thói quen tiêu dùng

Bắt tay vào lĩnh vực tiêu thụ nông sản an toàn từ năm 2010, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm hiện nay đã phát triển được 22 chi nhánh tại Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, chuỗi cửa hàng tiêu thụ từ 2 - 3 tấn rau củ quả, thủy hải sản các loại. Dù là một trong những hệ thống cung cấp thực phẩm sạch lớn nhất ở Hà Nội, tuy nhiên, bài toán tiêu thụ chưa bao giờ khiến anh Trần Mạnh Chiến - ông chủ của thương hiệu Bác Tôm ngừng trăn trở.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo anh Chiến, hiện nay nhiều khách hàng vẫn đang đánh đồng giữa chất lượng và mẫu mã của nông sản, trong khi đây lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Rau củ quả nếu dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật có thể trông còn tươi mới và đẹp mắt hơn thực phẩm được canh tác theo phương thức hữu cơ. Tuy nhiên, chất lượng nông sản lại hoàn toàn trái ngược nhau…” - anh Chiến chia sẻ. Đây cũng là lý do nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn giữ thói quen mua các sản phẩm tươi sống được bày bán tại các chợ truyền thống.

"Cùng với tuyên truyền mạnh mẽ chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”, đã đến lúc chúng ta phải phát động phong trào “Nói có với thực phẩm sạch”, nhằm thay đổi phương thức tiêu dùng, tạo cái nhìn mới về nông sản an toàn… " - Anh Trần Mạnh Chiến –

Quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Saigon Coop.mart tại Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, những nông sản được bày bán tại các chợ nông thôn không chỉ dễ dàng tiếp cận, mua bán, mà giá thành còn rẻ hơn thực phẩm được canh tác theo hướng hữu cơ. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại vào mua bán tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị…

Một rào cản khác xuất phát từ thực tế quy mô sản xuất các nông sản hữu cơ vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ. Do đó, để tạo dựng được thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường và xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng là một quá trình không dễ dàng.

Tăng cường liên kết hai chiều

Sản xuất nhỏ lẻ là nguyên nhân khiến nông sản hữu cơ khó tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (ĐHQG Hà Nội) lại cho rằng, điều này cũng mang đến một lợi thế, đó là dễ dàng hơn trong việc tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Nhưng để những đặc sản này đến được với người tiêu dùng, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, cần thiết phải có sự liên kết. Bên cạnh đó, bản thân người sản xuất, nhà phân phối cũng cần tuân thủ nghiêm các thủ tục về kiểm soát chất lượng nông sản, nhằm tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch khuyến nghị, các bên tham gia chuỗi cần đẩy mạnh cả liên kết ngang và liên kết dọc. Thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất vẫn chủ yếu theo hướng ngang, tức những người sản xuất có sự trao đổi thông tin để xây dựng những vùng cung cấp nông sản bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, liên kết dọc, hay nói cách khác là theo chuỗi sản xuất - chế biến - bán lẻ với sự tham gia của các tổ chức, DN trong tiêu thụ nông sản thì còn rất mờ nhạt.

Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, mà mới đây nhất là Nghị định số 109/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chủ yếu đang phải “tự thân vận động”. Do đó, để chính sách đi vào cuộc sống, các địa phương cần quan tâm, cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng vùng miền, nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước.