Thị trường chứng khoán châu Á phủ sắc xanh nhờ đồng USD mạnh lên

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm phiên giao dịch ngày 21/2 do đà phục hồi mạnh của đồng USD trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Trong phiên giao dịch ngày 21/2, tỷ giá USD tiếp tục phục hồi từ đáy 3 năm ghi nhận vào tuần trước, tăng lên cao nhất 6 ngày nhờ lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Đồng USD tăng giá khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm tăng lên mức tương ứng 2,2084% và 2,8818%. Giới đầu tư cũng ngày càng để ý đến thâm hụt ngân sách và thương mại Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump thực hiện các chính sách kích thích.
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 21/2. 
Biên bản cuộc họp ngày 30-31/1 của FED sẽ được công bố vào thứ Tư, theo đó giới đầu tư sẽ tìm kiếm các tín hiệu về chính sách lãi suất và đánh giá của FED về lạm phát.
Chỉ số MSCI của châu Á Thái Bình Dương trừ thị trường Nhật Bản tăng 0,7%, đạt mức cao nhất trong 6 phiên gần đây sau khi sụt giảm trong phiên trước đó trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm.
Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà tăng của khu vực, khi chỉ số Hang Seng tăng 558,26 điểm, hay 1,2% và khép phiên với 31.431,89 điểm, nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu năng lượng.
Trong phiên này, các thị trường ở Trung Quốc đại lục vẫn đang đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán. 
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 45,71 điểm, hay 0,2% lên 21.970,81 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng nhích thêm 2,8 điểm, tương đương 0,1%, lên 5.943,70 điểm.
Trong khi đó, thị trường Seoul, Hàn Quốc cũng bao phủ sắc xanh với chỉ số KOSPI cộng thêm 14,53 điểm, khoảng 0,6% lên 2.429,65 điểm. 
Kota Hirayama, chuyên gia kinh tế thị trường của Công ty Chứng khoán SMBC Nikko tại Tokyo, nói: "Một số nhà đầu tư ở châu Á bắt đầu quay lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đang cố nắm cơ hội sau khi chứng kiến thị trường Phố Wall phục hồi mạnh trong tuần trước".
"Nếu các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng khi giao dịch trở lại vào ngày mai, điều này có thể đẩy thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc hơn nữa", chuyên gia Hirayama cho biết.
Theo nhà phân tích Lukman Otunuga ở FXTM, đây có thể là khởi đầu cho sự phục hồi của thị trường, khi đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và khả năng FED nâng lãi suất đã làm đồng USD lên giá, với điều kiện các ngân hàng trung ương khác không tăng lãi suất với tốc độ nhanh như FED.
Các thị trường đang chờ đợi FED công bố biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhằm tìm hiểu quan điểm của các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh lạm phát của Mỹ đang gia tăng, tiền lương cũng được cải thiện và chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump bắt đầu có hiệu lực.
Tại thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số FTSE của Anh giảm 0,3% và chỉ số DAX và CAC của Pháp giảm 0,6%.
Tại sàn giao dịch Frankfurt (Đức). 
Trong phiên giao dịch ngày 20/2, hầu hết các thị trường chứng khoán  chủ chốt ở châu Âu lên điểm nhờ đồng USD mạnh và euro yếu đi. Trong khi đó, kết quả kinh doanh gây thất vọng của Walmart gây sức ép lên giá cổ phiếu của các nhà bán lẻ Mỹ và rộng hơn là thị trường chứng khoán Mỹ.
Các sàn giao dịch tại Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) đi lên, khi các nhà xuất khẩu ở châu Âu được hưởng lợi nhờ đồng euro xuống giá so với đồng USD.
Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,8% lên 12.487,9 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,6 % lên 5.289,86 điểm, trong lúc chỉ số FTSE 100 ở London (Vương quốc Anh) sụt giảm gần 0,1% và chốt phiên ở mức 7.246,77 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,8% lên 3.436,05 điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần