Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán: Kỳ vọng bùng nổ

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 21/2 (mồng 6 Âm lịch), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Nhận định về thị trường năm 2018, các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư và cơ quan quản lý khá lạc quan về triển vọng của thị trường sau Tết và cả năm 2018.

 Nhập thông tin đấu giá vào hệ thống tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Cái kết đẹp
Sau nhiều ngày chìm nổi, có thời điểm chỉ số VN-Index giảm hơn 60 điểm, hai phiên cuối cùng của năm âm lịch, thị trường cơ sở ghi nhận 2 phiên hồi phục ấn tượng. Ngày 13/2, trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, VN- Index dừng ở 1.059,73 điểm, tăng 1,72%; HNX-Index lên mức 124,31 điểm. Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 5.115.9 tỷ đồng. Có đến 18/20 nhóm ngành có sự tăng trưởng với độ rộng toàn thị trường mạnh khi 372 mã tăng và 116 mã giảm, hàm ý lực cầu cổ phiếu trên diện rộng vẫn còn, dòng tiền gia nhập tích cực.

Trước đó, dù thị trường có nhiều phiên giảm điểm mạnh nhưng về cơ bản, TTCK Việt đã có một cái kết khá đẹp kết thúc năm Đinh Dậu và đón Tết Mậu Tuất. Khối lượng và giá trị giao dịch trên cả hai sàn đều tăng mạnh (HOSE tăng 38,5%, HNX tăng 53%). Riêng tháng 1, khối ngoại vẫn đẩy mạnh mua ròng với 9.600 tỷ đồng; tiếp tục mua ròng trên 5.000 tỷ đồng trong đầu tháng 2, thậm chí mua nhiều nhất trong những phiên lao dốc trước Tết.

Theo các chuyên gia phân tích, việc tăng trưởng của chỉ số chứng khoán Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, không phải tăng trưởng “nóng” như năm 2007. Cụ thể, tình hình kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, hoạt động của các DN niêm yết khởi sắc hơn so với 2016. Kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính 9 tháng năm 2017 cho thấy sự cải thiện đáng kể cả về doanh thu (tăng 18%), lợi nhuận (tăng 23%) so với 2016. Quốc hội có Nghị quyết về xử lý nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu rất tích cực (trong năm 2017 hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016). Thanh khoản và lãi suất ổn định nên nhóm các DN niêm yết thuộc khối ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng tài chính. Sự tăng trưởng mạnh của khối này cũng có tác động dẫn dắt TTCK trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 tăng trưởng đột biến so với năm 2016, với vốn vào ròng đạt 2,9 tỷ USD (tương đương với mức tăng 130% so với năm 2016), trong đó tăng mạnh trong tháng 11 là 851 triệu USD (chiếm 29% tổng mức vào dòng năm 2017) được coi là nguyên nhân rất quan trọng khiến chỉ số chứng khoán tăng nhanh hơn.

Kinh tế tốt, chứng khoán đi lên

Năm 2018, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc do các cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, những tác động tâm lý tích cực từ các đợt thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa DN Nhà nước và niêm yết các DN lớn có chất lượng. Cùng với đó, dòng vốn ngoại tăng mạnh được nhận định sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn tham gia thị trường. Điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho một năm phát triển mạnh và bền vững của TTCK Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng kỳ vọng rất nhiều vào TTCK trong năm 2018. Theo ông Hưng, bản thân TTCK không thể tự tốt nên hay xấu đi, mà chỉ tốt lên khi nền kinh tế phát triển tốt. Với những bước đột phá trong năm 2017, nền kinh tế 2018 được kỳ vọng sẽ tốt hơn rất nhiều, và điều này tạo đà bứt phá cho TTCK. “Nền kinh tế và TTCK đang hướng đến sự minh bạch. Nhà đầu tư có thể coi TTCK không chỉ là nơi kiếm tiền mà là nơi giữ tài sản của mình vừa sinh lời, vừa an toàn”- ông Hưng cho hay.

Về kế hoạch phát triển thị trường trong năm 2018, đại diện Ủy ban Chứng khoán cho hay, cơ quan này sẽ tập trung vào 2 nhóm kế hoạch chính là hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát và phát triển và tái cấu trúc TTCK. Theo đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gắn với niêm yết được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc TTCK, phát triển sản phẩm mới; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK xây dựng lòng tin nhà đầu tư, đảm bảo TTCK phát triển ổn định minh bạch, qua đó đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Năm 2017, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực. Chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng tương ứng là 48% và 46%, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây.