Thị trường chứng khoán lấy lại động lực, sức hấp dẫn vẫn còn

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhịp điều chỉnh diễn ra vào tuần cuối tháng 10, thông tin các hãng dược trên thế giới lần lượt công bố kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao đã giúp thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, trong đó có TTCK Việt Nam lấy lại được động lực tăng điểm trong tháng 11.

Các nhóm ngành cùng vận động tronng xu hướng tích cực
Chỉ số VN-Index diễn biến thuận lợi với đà tăng mạnh mẽ trong tháng, ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm được phá vỡ vào phiên ngày 26/11 và chỉ số này đóng cửa phiên cuối tháng tại 1.003,08 điểm tăng 77,61 điểm tương đương tăng 8,4% so với thời điểm cuối tháng 10. Thị trường diễn biến đồng thuận khi các chỉ số VN30, VNMidcap và VNSmallcap cũng ghi nhận tăng trưởng 8,2%, 12% và 12,8% trong tháng.
Như vậy, tính chung 11 tháng đầu năm 2020 TTCK Việt Nam đã tăng trưởng dương ở các tất cả các chỉ số VN-Index với mức tăng 4,4%, VN30 tăng 9,9%, VNMidcap tăng 17,1% và VNSmallcap tăng 17,6%. So với mức đáy đã xác lập hồi tháng 3, tất cả các chỉ số đã đạt được mức phục hồi rất mạnh tương ứng VN-Index tăng 52,2%, VN30 tăng 58,1%, VNMidcap tăng 65,3%, VNSmallcap tăng 60,5%.
 Đóng cửa phiên cuối tuần này chỉ số VN-Index đứng trên 1.021 điểm. Dự báo có thể còn tăng lên 1.040 điểm vào cuối tháng 12.

Động lực cho tăng trưởng của VN-Index trong tháng đến từ nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tăng 12,6%), trong đó nhờ đóng góp lớn của nhiều cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, TCB, VPB. Thông tin khả quan về vaccine cũng giúp tất cả các nhóm ngành tăng trưởng dương và nhiều nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng 2 con số như tiện ích tăng 12,7%, vật liệu tăng 15,5%, công nghiệp tăng 14%, hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng 11,1%. Ngoài các cổ phiếu Ngân hàng thì GAS, VHM, GVR, HPG, VJC là các cổ phiếu diễn biến tích cực vượt trội thúc đẩy tăng trưởng cho các nhóm ngành và thị trường chung.
Tính từ đầu năm, nhờ vào tăng trưởng 84,6% của HPG nhóm vật liệu đã đạt mức tăng trưởng cao nhất 65,6%. Chỉ còn nhóm y tế, năng lượng, tiện ích, công nghiệp và bất động sản là còn tăng trưởng âm so với thời điểm cuối năm 2019.
Thanh khoản thị trường lên mức kỷ lục, khối ngoại giao dịch tích cực hơn
Sau khi tăng trưởng mạnh 22,3% trong tháng 10, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì trên nền cao dù đà tăng có chậm lại. Giá trị giao dịch (GTGD) trung bình 1 phiên trong tháng 11 cho cả 3 sàn đạt 10.128 tỷ đồng/phiên, tăng 3,5% so với tháng 10 và tăng 93,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính trung bình 11 tháng đầu năm, GTGD bình quân đạt 6.808 tỷ đồng, tăng 41% so với trung bình năm 2019.
Riêng trên HOSE, GTGD qua kênh khớp lệnh đạt trung bình 8.770 tỷ đồng/phiên, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng GTGD trên sàn này lên đến 10.128 tỷ đồng/phiên xấp xỉ nền giao dịch ở tháng 1/2018.
Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), động thái giao dịch của khối này đã tích cực hơn khi xen kẽ những những phiên mua bán ròng trong tháng sau chuỗi bán ròng thường trực ở tháng trước. Giá trị bán ròng trên HOSE thu hẹp lại còn giảm 3.190 tỷ đồng từ mức giảm 7.447 tỷ đồng trong tháng 10; trong đó bán ròng 4.673 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và mua ròng 1.483 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.
Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 38.776 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và mua ròng 22.457 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận dẫn đến tổng giá trị rút ròng còn 16.318 tỷ đồng trên sàn này.
Dòng tiền đầu tư trên TTCK Việt Nam tích cực và kỳ vọng
Các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam tiếp tục rút ròng 7,7 triệu USD trong tháng 11. Trong đó, dòng vốn vào các quỹ chủ động vẫn bị rút 26,7 triệu USD, tổng cộng đã rút ròng 103 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay.
Điểm tích cực là con số rút ròng của các quỹ chủ động tập trung vào tuần đầu tháng sau đó giảm dần và chuyển sang tiền vào trong nửa cuối tháng 11. Có thể các thông tin tích cực về vắc xin vaccine và việc ký kết RCEP vào giữa tháng đã hỗ trợ dòng tiền vào cổ phiếu Việt Nam. Nhìn lại kể từ tháng 3 đến nay, đây là lần đầu tiên dòng tiền quỹ chủ động vào Việt Nam dương 2 tuần liên tiếp.
Dòng vốn ETF cũng tích cực trở lại. Sau khi các quỹ ETF bị rút ròng nhẹ trong tháng 10, dòng tiền sang tháng 11 đã quay trở lại và càng về cuối tháng càng tích cực hơn. Tổng cộng các quỹ ETF đã hút ròng khoảng 19 triệu USD (tương đương khoảng 440 tỷ đồng), chủ yếu tập trung ở các quỹ VFM VN30 ETF tăng 107 tỷ, VFM VNDiamond ETF tăng 100 tỷ và FTSE Vietnam ETF tăng 67 tỷ. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã hút ròng 1.910 tỷ đồng.
Diễn biến khối ngoại trên sàn cũng khá tương đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng giảm 3,2 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tháng 11 nhưng tập trung bán ròng giảm 3,95 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu tháng và đã mua ròng 759 tỷ đồng trong 9 phiên cuối tháng.  
Chúng tôi nhận thấy sự đảo chiều của dòng vốn ở thị trường Việt Nam trong nửa cuối tháng 11 không xuất hiện ở các thị trường ASEAN khác, cho thấy thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn hơn nhờ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tăng trưởng kinh tế khả quan.
Góc nhìn kỹ thuật của chuyên gia đà tăng vẫn còn. VNIndex đã vượt cột mốc kháng cự tâm lý mạnh nằm tại 1.000 điểm vào cuối tháng. KLGD liên tục đi lên cho thấy dòng tiền vẫn tiếp tục đi vào thị trường, là động lực rất lớn giúp chỉ số hồi phục nhanh trở lại sau những nhịp điều chỉnh. Động lực này hiện vẫn đang mạnh mẽ, nhiều khả năng VNIndex sẽ tiếp tục đi lên và tiệm cận vùng kháng cự 1.030-1.040 điểm trong thời gian tới.
Định giá thị trường lên cao so với tháng trước nhưng vẫn ở mức hấp dẫn khi nhìn vào kỳ vọng. Tăng trưởng về điểm số trong tháng đã đưa hệ số PE 2020 và 2021 của nhóm cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu phân tich của chuyên gia tại SSI Research lên 18,6 lần và 15,3 lần vào ngày 1/12, cao hơn so với mức 17,49 lần và 14,3 lần được cập nhập vào ngày 6/11. Thanh khoản liên tục duy trì ở nền cao kỷ lục củng cố cho quan điểm thị trường đang phản ánh kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh của lợi nhuận doanh nghiệp từ năm 2021. So với các nước trong khu vực, hệ số PE hiện tại của Việt Nam cũng cho thấy một mức hấp dẫn khi nhìn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần