Thị trường chứng khoán liệu có tăng trưởng trở lại?

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những bước thăng trầm mà lịch sử phải ghi nhận, khi thị trường đạt đỉnh vượt 1.200 điểm. Và kể từ khi chinh phục mốc trên, thị trường đã trồi sụt lớn kể từ quý 2 năm 2018.

TTCK liệu có tăng trở lại?
Sự mất mát diễn ra trên thị trường sau một thời gian tăng trưởng kể từ cuối năm 2017 cho đến đỉnh cao trong đầu quý 2 năm 2018. Đến nay, thị trường trải qua nhiều sóng gió mà câu chuyện chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính là yếu tố lớn tác động đến không chỉ thị trường trong nước mà còn tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.
Trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, sau quá trình tăng trưởng mạnh mẽ ấy thì sự sụt giảm ngày càng lớn. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản, cho đến cuối tháng 7/2018 thị trường bắt đầu manh mún tăng trở lại. Khi mốc 1.000 điểm là mốc mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ vượt và có sự thu hút lượng tiền lớn vào thị trường, thì cũng chính là lúc thị trường bắt đầu có những giai đoạn trồi sụt để rồi những kỳ vọng ấy trở thành nỗi ác mộng với giới đầu tư tài chính khi mà thị trường giảm liên tiếp trong những phiên cuối quý 3.
Với các tác động của ngoại cảnh về cuộc chiến thương mại, cũng như quá trình vận động của nền kinh tế. Thị trường bắt đầu ngấm dần các tin tức xấu, để rồi giai đoạn giữa tháng 11/2018 thị trường bắt đầu có tín hiệu của dòng tiền mới với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Đặc biệt khi chỉ số của thị trường đã tạo ở vùng nền 880 - 890 đã được tích lũy khá ổn định và vững chắc thì thị trường bắt đầu có dấu hiệu xu hướng đi lên. Các cổ phiếu đã có kết quả kinh doanh tốt trong 2 quý trước đó có những phản ứng tích cực khi có dòng tiền bắt đầu tham gia thị trường.
Mặt khác, sự tác động của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự điều hành có tính linh hoạt, ổn định của Chính phủ và ngân hàng nhà nước về tỷ giá, lãi suất đã khiến cho thị trường tài chính trong nước khá ổn định. Những vấn đề như xuất nhập khẩu cũng như việc tham gia CPTTP đã dần được triển khai và đưa vào ký kết. Chính sự nỗ lực đó mà nhiềm tin của nhà đầu tư đang dần trở lại. Quá trình thoái vốn, cổ phần hóa cũng như việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài, dòng vốn ngoại đang ngày càng chảy vào thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ. Quá trình ấy còn thể hiện khát khao của các cơ quan quản lý là đưa TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nhờ được đưa vào nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuyến - Giám đốc môi giới Công ty CPCK KIS Việt Nam đánh giá, từ giai đoạn này cho đến cuối và đầu 2019 thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm. TTCK Việt Nam chính là thị trường sẽ sớm thu hút được dòng vốn ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá đây là thị trường hấp dẫn và có xu hướng tăng trưởng nhất trong khu vực.
Cũng theo ông Tuyến, dòng vốn ngoại đang tiếp tục tìm kiếm các ngân hàng có lợi nhuận tốt để chờ chính sách thoái vốn cũng như nới room nhóm ngân hàng mà lộ trình Chính phủ sẽ phê duyệt trong thời gian tới. Vì vậy, đối với nhà đầu tư trong nước việc tham gia đầu tư ở giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng trở lại sẽ mang đến thành quả ngoài mong đợi.
Ngoài nhóm ngân hàng thì nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tốt và có quá trình tái cấu trúc trong giai đoạn vừa qua cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức lớn. Đơn cử những DN có vốn Nhà nước thoái như GMD VCG, FPT, REE, PLX hay DN tư nhân như HPG, VSC, VCS… cũng sẽ mang lại dự vị chiến thắng cho nhà đầu tư biết lựa chọn thời điểm. Bởi suy cho cùng, quyết định dành thắng lợi phụ thuộc vào thời điểm nhà đầu tư ra quyết định giải ngân.
Như vậy, có thể thấy rằng bức tranh chung của nền kinh tế trong năm qua là màu sáng, nhưng ở đó cũng có những khoảng tối mà không phải nhà đầu tư nào cũng nhận ra khi mà nền kinh tế cũng như sự tăng trưởng của TTCK có tính chu kỳ. Ở thời điểm hiện tại, cơ hội cho nhà đầu tư là rất lớn và ai đó biết tận dụng thời điểm tốt để ra quyết định tìm cho mình những DN có lợi thế lớn và giành chiến thắng.
Cũng theo ông Tuyến, thị trường tăng trưởng mạnh trở lại và hút dòng tiền mới thì không thể thiếu sự tăng trưởng trở lại của nhóm ngân hàng và nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, ngoài hai nhóm này thì nhà đầu tư cũng nên lựa chọn những cổ phiếu mà DN có cơ bản tốt và có mức lợi nhuận đột biến trong các quý trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần