Triển vọng cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng Công ty Cổ phần chứng khoán SSI vẫn đưa ra nhận định triển vọng cho những cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp.

 Các khu công nghiệp ở miền Bắc được lấp 75% và giá cho thuê vẫn tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cổ phiếu khu công nghiệp (KCN) đã niêm yết đạt tổng doanh thu là 21,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 3,6 nghìn tỷ đồng giảm 18% so với cùng kỳ.
Các cổ phiếu KCN giảm doanh thu trong 6 tháng qua là: BCM giảm 24%; KBC giảm 54%; ITA giảm 30,4 và IDC giảm 7%.
Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu tăng trưởng tốt như: Doanh thu của SZC tăng 1,5 lần so với cùng kỳ, với 17ha đất KCN cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020; lợi nhuận ròng tăng 155% so với cùng kỳ. Doanh thu của D2D trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 22% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận ròng tăng lên 80% so với cùng kỳ. SIP cũng tăng 10% doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận ròng 6 tháng lên đạt 418 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ.
Theo SSI Research nhận định: Nguồn cung quỹ đất có thể tăng nhẹ 5% trong nửa cuối năm 2020; ước tính giá thuê tăng 10% so với cùng kỳ ở miền Nam và tăng khoảng 7 - 8% so với cùng kỳ ở miền Bắc. SSI ước tính lợi nhuận ròng của các công ty KCN đạt khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Bên cạnh một số DN giảm lợi nhuận như SZC, D2D, BCM một số vẫn tăng khá tốt. Trong khi đó, LHG dự kiến sẽ cho thuê 10ha từ KCN Long Hậu 3, có thể nâng lợi nhuận ròng ước tính nửa cuối năm 2020 lên 83 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp NTC ước đạt 300 tỷ đồng, tăng 2,8% doanh thu và lợi nhuận ròng có thể tăng 49% so với cùng kỳ.
Nhận định của SSI, cuối năm 2020 khi đại dịch lắng xuống, sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp của Việt Nam đối với các công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Do đó, năm 2021, nhu cầu về đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng. Một số tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp,...
Chính sách khuyến khích đầu từ FDI cho các dự án của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng có thể tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất sang Việt Nam như Shin-Etsu Chemical, HoYa Coporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo, và Nikkiso… Hầu hết các công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc. Ước tính lợi nhuận sau thuế của các DN bất động sản KCN có thể tăng từ trên 8% đến gần 14%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần