Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021: Nhiều triển vọng cho nhà đầu tư

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đã có 1 năm khá hấp dẫn nhà đầu tư và dự báo triển vọng trong năm 2021.

Những yếu tố tác động
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở một số tỉnh, TP trong nước, chỉ số chứng khoán đã giảm mạnh liên tục nhiều tháng. Thời điểm thấp nhất vào tháng 5/2020, chỉ số VN-Index xuống dưới mức 700 điểm. giá trị giao dịch chỉ trong khoảng trên 3.000 tỷ đồng/phiên.
 Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 dự báo tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại. Báo cáo kinh tế quý 3 của Việt Nam tăng trưởng hơn mong đợi, thị trường đã đón nhận dòng tiền ngày càng nhiều.
Việt Nam đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu. Trong quý 4/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,3% so với cùng kỳ, riêng tháng 12 đã tăng 9,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự phục hồi về mặt sản xuất đã quay trở lại mức trước khi có dịch Covid-19.
Cũng kể từ tháng 8/2020, Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP. Tăng trưởng đầu tư công cũng đạt mức kỷ lục, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam: Chỉ số VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI FM trong 5 năm qua. Tính từ đầu năm, VN-Index tiếp tục tăng mạnh hơn 12,7% so với chỉ số MSCI FM. Nhóm Mid-cap đã tăng nhiều hơn 12% so với VN30 trong năm 2020, sau 3 năm liên tiếp kém hiệu quả hơn nhóm VN30.
Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn. Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính cho thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới đạt đỉnh vào tháng 11, mức cao nhất theo tháng từ trước đến nay. Nhà đầu tư nước ngoài (NĐNN) từng chiếm 15 - 18% tổng giá trị giao dịch trong những năm trước đây. Tuy nhiên, tính trong 11 tháng 2020, tỷ trọng NĐTNN giảm xuống chỉ còn 12% và chỉ còn khoảng 7,7% trong những tuần gần đây. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 700 triệu USD trong 11 tháng 2020 và chỉ có các quỹ ETF có dòng vốn vào ở mức khiêm tốn, đạt 95 triệu USD trong 11 tháng 2020.
Dòng tiền liên tục vào thị trường tăng từ trên 3.000 tỷ đồng/phiên từ tháng 6 lên 15.000 - 17.000 tỷ đồng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12
Chỉ số VN-Index đã tăng vượt mốc 1.100 điểm vào cuối tháng 12 và đứng phiên cuối cùng của năm trên mốc 1.103 điểm.
Triển vọng thị trường năm 2021
Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, năm 2021 có khá nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, rất nhiều luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2021. Cụ thể như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường… Cải cách Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đây là bước cuối cùng khi hầu hết các DNNN được tư nhân hóa. Điều quan trọng là Chính phủ sẽ xóa bỏ các vướng mắc về định giá DN và thủ tục IPO/thoái vốn để có tái khởi động hoạt động cổ phần hóa/thoái vốn DNNN trong năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro mà nhà đầu tư cần biết, đó là: Chính sách nới lỏng tài khóa được coi là một công cụ chính sách hiệu quả trên thế giới, có thể đi kèm với khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặc biệt nếu Việt Nam không đủ khả năng xử lý gánh nặng nợ công tăng cao.
Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng tỷ trọng CPI mới, trong đó giảm tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, hàng điện tử/điện gia dụng và tăng tỷ trọng đối với nhà ở và dịch vụ, giáo dục, y tế, giải trí, viễn thông. Với điều chỉnh tỷ trọng số này, nhu cầu tăng tại các nước láng giềng như Trung Quốc có thể có tác động ít hơn đến mức giá tại Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 vẫn luôn là trọng tâm trong dự báo, bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc thử nghiệm/triển khai chấp nhận vaccine, hay biến thể virus có thể tác động mạnh đến đà phục hồi.
Mặc dù vậy, nhưng năm 2021 vẫn là năm được đánh giá có triển vọng lớn của đối với thị trường chứng khoán VIệt Nam. Cụ thể, dòng vốn nước ngoài có thể quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau.
Năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 23% sau khi giảm 17% trong năm nay. Tại ngày 28/12/2020, hệ số P/E thị trường năm 2021 ở mức 16,03 lần. Theo dữ liệu lịch sử của thị trường Việt Nam, SSI chọn thời gian tham chiếu P/E trong vòng 3 năm qua vì đây là khoảng thời gian thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh về quy mô và nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư hơn trong bối cảnh chu kỳ nền kinh tế tăng trưởng mạnh. P/E trung vị trong giai đoạn 2018-2020 là 16,4 lần và mức P/E đạt được cao nhất là 21,6 lần tại ngày 22/3/2018.
Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước đợt dịch bệnh Covid-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.
Tuy nhiên, thị trường năm 2020 - 2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng. Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực.
Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua. Mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021, tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%.
Ngân hàng và bất động sản(BĐS) là hai ngành lớn nhất tác động lên chỉ số VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. 2 lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Giá BĐS tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP Hồ Chí Minh ở mức hạn chế.
Dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021. Cùng với đó, dự báo tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ như năm nay, nhưng dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.