Thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A): Bước trưởng thành của doanh nghiệp nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập DN (M&A) được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD) trong 6 tháng qua, song dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018. Các lĩnh vực sôi động nhất bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản.

Saigon Co.op vừa thâu tóm toàn bộ hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Nga
Nhà đầu tư trong nước lên ngôi
Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Với sự tham gia của 500 đại diện DN, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, Diễn đàn M&A 2019 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” sẽ bao gồm các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khóa đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá…

Mặc dù các thương vụ M&A trong lĩnh vực này có phần chững lại về cả số lượng và giá trị, song giới chuyên môn vẫn cho rằng, ngành bán lẻ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam Alex Crane nhận định, có nhiều điểm tích cực xung quanh cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Tốc độ phát triển của các trung tâm mua sắm như Vincom (thuộc Vingroup), hay sự đầu tư của AEON, Lottemart và các chuỗi siêu thị của các ông chủ tỷ phú Thái Lan đã lọt vào tầm quan sát của vị CEO có nhiều kinh nghiệm này. “Vincom là đơn vị phân phối, bán lẻ có tầm ảnh hưởng rất tích cực tới thị trường khi mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng thực phẩm tốt được lựa chọn kỹ càng. Đây là tên tuổi khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường phân phối bán lẻ thêm phần khốc liệt” - ông Alex Crane chia sẻ. Tuy nhiên, sẽ có nhiều cạnh tranh hơn nữa giữa các nhóm siêu thị, trong đó các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt cạnh tranh trên thị trường bán lẻ dù hiện khá nhiều DN nước ngoài vẫn chưa tham gia thị trường Việt Nam, bởi nguyên nhân chính vì giá thuê mặt bằng cao. Theo ông Alex Crane, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A.

Cán mốc 6,7 tỷ USD

Tổng Biên tập báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam (M&A Vietnam Forum 2019) Lê Trọng Minh nhận xét tại buổi họp báo ngày 23/7, Diễn đàn M&A đã và đang thúc đẩy kênh đầu tư hiệu quả này cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch cả về chất và lượng, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục… Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, HongKong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Việc định giá, quản trị thương hiệu, và quản trị hậu M&A nổi lên là những vấn đề đáng chú ý của hoạt động M&A năm 2018 và đầu năm 2019 khi tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DN Nhà nước trong năm 2018 và 6 tháng năm 2019 đang có những dấu hiệu chững lại.

Tham gia vào các thương vụ này nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn tháng 7/2018 – tháng 7/2019). Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng – Vinaconex (thương vụ lớn nhất trong diện Nhà nước thoái vốn khỏi DN) và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một DN Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD (giai đoạn 2014 – 2016) để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD cần sự nỗ lực lớn hơn.

Sẽ có nghị quyết thu hút đầu tư

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống khẳng định, trong 10 năm qua, M&A không chỉ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài. Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có đẩy mạnh cơ cấu lại DN Nhà nước. Theo đó, kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Đây là những yếu tố mở ra cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần