Thị trường Ngày Rằm tháng Giêng: Sức mua cầm chừng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", vì vậy, từ nhiều ngày nay không ít gia đình đã sắm sửa đồ để làm lễ cúng.

Điều đáng ghi nhận là giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm không tăng đột biến mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng.

Mua bán rau quả tại chợ Thành Công. Ảnh: Công Hùng

Ghi nhận tại các chợ dân sinh như Châu Long, Thành Công, Kim Liên cho thấy, giá rau xanh không đắt hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Những loại rau bán chạy trên thị trường dịp này như cải bắp từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; cải thảo 15.000 đồng/kg; su su 10.000 đồng/kg; xà lách 20.000 đồng/kg; hành củ 25.000 đồng/kg; cải ngọt 20.000 đồng/kg…

Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống giá bán khá ổn định. Hiện thịt bò các loại giá bán phổ biến từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; thịt lợn thăn 100.000 đồng/kg; sườn thăn 120.000 đồng/kg. Ngay cả các loại gia cầm đặc sản như gà đồi Yên Thế, gà mía… giá tăng không đáng kể. Gà ri loại 1 có giá 130.000 đồng/kg, gà cỏ ngon từ 140.000 - 160.000 đồng/kg.

Các loại hải sản cũng không có biến động tăng giá, Tại các chợ truyền thống hiện cá rô phi loại 1kg/con 50.000 đồng/kg; cá điêu hồng 70.000 - 75.000 đồng/kg; cá trắm cỏ 70.000 - 90.000 đồng/kg; cá trắm đen 140.000 - 160.000 đồng/kg; ngao 20.000 - 25.000 đồng/kg; tôm sú loại nhỏ 250.000 - 270.000 đồng/kg, loại to 450.000 - 500.000 đồng/kg...

Thực phẩm tươi sống, rau xanh không tăng giá song giá một số loại hoa và trái cây do đã vào cuối vụ thu hoạch nên biến động tăng từ 15 - 20% so với ngày bình thường. Chị Thu Lan kinh doanh hoa quả tại chợ Kim Liên cho biết: Hiện giá bán táo Việt Nam side to 35.000 đồng/kg; xoài tùy vào kích cỡ có giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 22.000 đồng/kg; cam Canh 65.000 - 70.000 đồng/kg (trước Tết chỉ 35.000 - 40.000 đồng/kg)... Trong lễ cúng Rằm tháng Giêng, hoa là mặt hàng không thể thiếu vì vậy giá các loại hoa tăng mạnh so với thường ngày. Cụ thể, hoa hồng tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/bông lên 6.000 - 7.000 đồng/bông; hoa cúc 50.000 đồng/bó 10 bông. Riêng hoa đào giá giảm hơn nhiều so với thời điểm trước Tết, một bó hoa đào khoảng 10 - 12 cành nhỏ, giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng/bó.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống cho thấy, hiện sức mua ở mức cầm chừng. Dù đã gần trưa ngày 13 Âm lịch, song chậu cá của chị Thu kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công vẫn đầy. Không chỉ thủy sản tiêu thụ chậm mà các mặt hàng thịt lợn, bò sức mua cũng không tăng như các hộ kinh doanh mong muốn.

Thực tế, sức mua thực phẩm cúng Rằm Tháng Giêng không tăng những năm gần đây, nguyên nhân do người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thực phẩm chay khi nấu cỗ cúng. Theo chủ cửa hàng bán đồ chay trên phố Thái Thịnh (Hà Nội), các loại thực phẩm chay vẫn giữ giá như năm ngoái nhưng các dòng sản phẩm đa dạng về nguyên liệu, phong phú về chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng: “Dịp Tết, người dân đã ăn quá nhiều thực phẩm béo, giàu đạm, nên những ngày này ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt, cá là nhu cầu tự nhiên của nhiều người. Nhu cầu này đã tác động tới sức mua - bán ở các chợ”. Ngoài ra, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Việc các DN tham gia chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội đã tích cực dự trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã có tác dụng không nhỏ trong việc kiếm chế hiện tượng tăng giá đột biến.