Thị trường rượu thủ công: Mông lung quy định hợp quy

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.

Để quản lý hoạt động sản xuất rượu, đặc biệt là rượu thủ công, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, đồng thời minh bạch các thủ tục hành chính trong đăng ký sản xuất, kinh doanh, chứng nhận chất lượng.

Thủ tục nhiêu khê

Trung tuần tháng 9 vừa qua, lực lượng chức năng của TP đã kiểm tra 14.613 cơ sở sản xuất rượu thủ công, phát hiện 1.680 cơ sở vi phạm, tịch thu 28.202 lít rượu, tiêu hủy 18.041 lít rượu. Đa số các hộ sản xuất rượu quy mô nhỏ, một số hộ nấu rượu kết hợp sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi, nên không chú trọng chất lượng ATTP. Mặt khác, để được cấp giấy phép hoạt động, người sản xuất rượu nhỏ lẻ phải đạt được những điều kiện nhất định về mặt pháp lý cũng như cơ sở vật chất.

Đội QLTT số 7 kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Thiệp ở đội 9,

thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai. Ảnh: Lê Nam

Thực tế, để quản lý việc sản xuất, tiêu thụ rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP, nhưng trong đó chưa có quy trình, quy phạm về sản xuất rượu thủ công. Hơn nữa, để các cơ sở, cá nhân sản xuất rượu tự công bố hợp quy rất mông lung, bởi không biết công bố trên cơ sở nào. Trong khi đó, có quá nhiều đơn vị quản lý sản phẩm rượu dẫn đến tình trạng chồng chéo. Cụ thể, hộ dân muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp, giấy phép sản xuất do Sở Công Thương cấp, nhãn hiệu do Sở KH&CN cấp, còn đăng ký chất lượng lại do Sở Y tế cấp. Bà Nguyễn Thị Hảo (thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Chờ làm xong được hết các thủ tục dễ phải tới nửa năm, thế nên nhiều người rất nản”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Tuấn Thịnh cũng cho biết, Nghị định 94/2012/NĐ-CP không nêu rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong việc thực thi. Do đó, dù trên địa bàn huyện có tới 561 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, nhưng đến nay mới chỉ có 3 cơ sở và 1 DN được cấp đăng ký.

Cần minh bạch hóa

Nhằm khắc phục những khe hở tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP, quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Điều kiện bắt buộc là các tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép hoạt động. Riêng các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho DN có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.

Nghị định 105 thực sự đã tháo gỡ những bất cập trong việc cấp giấy phép cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, song Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rượu thủ công, rượu bổ, rượu thuốc... “Bộ Công Thương và Bộ Y tế cần làm rõ khái niệm rượu thuốc, rượu bổ và trách nhiệm trong cấp giấy phép sản xuất rượu thuốc, rượu bổ; đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn Methanol nhập khẩu, qua đó triệt tiêu việc sử dụng Methanol trong pha chế rượu” - ông Lộc đề nghị.

Thực ra, tình trạng rượu thủ công trôi nổi trên thị trường tồn tại đã lâu, tạo ra những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử như những ngày đầu tháng 3/2017, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 24 bệnh nhân bị ngộ độc methanol, trong đó 2 trường hợp tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc. Thế nên, để Nghị định 105 đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã trong việc giải đáp thắc mắc cho người dân, minh bạch thủ tục hành chính từng khâu để người dân hiểu và thực hiện.