Thị trường sau Tết Nguyên đán: Đủ nguồn cung, không sốt giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường tăng giá, nhưng năm nay những mặt hàng này đặc biệt là thịt lợn lại không tăng đột biến.

Có được như vậy là do hầu hết các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn cung và dự trữ nhiều mặt hàng thay thế thịt lợn góp phần bình ổn thị trường.
Không tăng đột biến
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 5 Tết Canh Tý (29/1) tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, Thành Công, Kim Liên, Ngã Tư Sở... các mặt hàng rau xanh, thịt, thủy hải sản chỉ tăng khoảng 10 - 15% so với những ngày áp Tết.
Cụ thể giá thịt lợn mông sấn 170.000 - 200.000đồng/kg, thịt thăn 200.000 - 250.000 đồng/kg, thịt bò thăn loại I từ 280.000 - 350.000đồng/kg; gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg; tôm sú loại 26 - 30 con/kg 500.000 - 600.000đồng/kg, cá trắm: 100.000 - 120.000đồng/kg. Riêng các mặt hàng thực phẩm chế biến khá ổn định không có tình trạng tăng giá đột biến, hiện giò lụa 170.000 - 180.000 đồng/kg; giò bò 280.000 - 330.000 đồng/kg.
 Người tiêu dùng mua rau xanh, thực phẩm tại siêu thị Hapro Mart Thành Công ngày mùng 5 Tết.  Ảnh: Lê Nam
Tương tự các loại, rau, củ, quả, trái cây có mức tăng nhẹ so với ngày thường. Tại chợ Châu Long, Thành Công rau bắp cải được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg; su hào: 8.000 - 10.000 đồng/củ; xà lách: 15.000 - 20.000 đồng/kg; khoai tây: 12.000 - 20.000 đồng/kg, súp lơ: 12.000 - 20.000 đồng/cây; rau muống 20.000 - 25.000 đồng/mớ...
Lý giải nguyên nhân rau xanh tăng giá mạnh, một số tiểu thương cho biết: Những ngày này nhiều gia đình tổ chức liên hoan tân niên nên nhu cầu sử dụng nấm, rau xanh tăng cao trong khi đó thời tiết rét và mưa lớn trong 2 ngày đầu năm mới nên nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá rau củ tăng.
Thực tế cho thấy trong khi thực phẩm tươi sống tại hệ thống chợ truyền thống có sự biến động tăng giá thấy rõ thì tại các siêu thị như Big C, Co.op Mart, Vinmart, Hapro... vẫn giữ giá khá ổn định. Hiện tại hệ thống siêu thị Hapro Mart thịt ba chỉ, thịt nạc vai: 209.000 đồng/kg; xương cục 113.000 đồng/kg; móng giò 159.900 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân mặt hàng thịt lợn không tăng giá trong Tết Nguyên đán, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết: Do đã làm việc từ sớm với các nhà cung cấp với kế hoạch cụ thể nên lượng hàng hoá trong các siêu thị vẫn khá đầy đủ chủng loại, tươi mới và giữ giá ổn định, không tăng giá, góp phần giúp bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày đầu năm mới.
Đồng tình với phản ánh này Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN quản lý hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết: Nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, Big C đã cam kết bán thịt lợn không lợi nhuận, đồng thời triển khai chương trình “khóa giá” trong suốt 40 ngày trước trong và sau Tết với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.
Hiệu quả từ việc dự trữ hàng hóa
Đánh giá của Bộ Công Thương, trong dịp Tết Canh Tý vừa qua, tại các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... sức mua với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết Kỷ Hợi.
Mặc dù nhu cầu mua sắm tăng cao nhưng các DN đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các DN tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm 2019... nhờ vậy đã đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết. Đồng thời các chương trình giảm giá, khuyến mại, bình ổn thị trường... đã được các DN xúc tiến rộng rãi qua đó góp phần giữ giá cả hàng hoá không tăng nhiều so với ngày thường. Một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như AEON, Circle K mở cửa xuyên Tết hoặc khai trương sớm từ sáng mùng 2 Tết (27/1) như Big C, Saigon Co.op hạn chế được tâm lý mua tích trữ của người dân.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, trong ngày Mùng 5 Tết, tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa hoạt động trở lại, lượng hàng nhiều hơn, các mặt hàng cũng đa dạng hơn.
Tuy nhiên, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng này sẽ ở mức tương đương với trước Tết. “Từ mùng 6 Tết, khi mọi người trở lại kinh doanh thì nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả sẽ giảm dần nhưng phải sau Rằm tháng Giêng mới có thể ổn định” - bà Nga dự báo.
Năm nay, mặc dù TP Hà Nội không bố trí vốn đối ứng cho các DN tham gia Chương trình Bình ổn giá của TP Hà Nội như những năm trước, song chương trình đã thu hút 10 DN tham gia dự trữ hàng hóa.
Phó Tổng Giám đốc hệ thống Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cho biết: Tổng giá trị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý của toàn hệ thống Vinmart là 1.800 tỷ đồng. Vinmart cũng đã ký kết tiêu thụ thịt lợn với nhiều nhà cung cấp quy mô lớn nên nguồn hàng ổn định, không thiếu hụt. Trong khi đó, Hapro dự trữ lượng hàng hóa tăng 5% so với năm trước tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, Hapro đã đưa ra thị trường 6 loại gạo đặc sản Đồng Tháp như Jasmine organic phục vụ người tiêu dùng.
Có thể nói, việc các DN tích cực dự trữ hàng hóa nhất là mặt hàng thịt lợn đã giúp nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên thị trường sau Tết khá bình ổn.

"Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt, trước mắt tập trung nhập khẩu 100.000 tấn trong quý I/2020.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các DN, nhất là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp sau Tết Nguyên đán." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh


"Hiện nguồn cung thịt lợn của TP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu (tương đương 14.600 tấn), còn lại nhập từ các tỉnh 40% (khoảng 8.920 tấn), nguồn cung tương đối dồi dào nên TP Hà Nội hiện chưa tính đến phương án nhập khẩu. Sở Công Thương Hà Nội đã vận động DN tham gia dự trữ, bình ổn mặt hàng thịt lợn với lượng hàng cung ứng trong tháng Tết khoảng hơn 3.000 tấn. " - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan


"Tết Nguyên đán năm nay các DN đã tích cực dự trữ hàng hóa nên nguồn cung dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết.

Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết và sớm mở cửa trở lại phục vụ sau Tết đã góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do đó giá cả hàng hóa trên thị trường thời điểm sau Tết Canh Tý nhìn chung không biến động nhiều." - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu


CPI tháng 1 cao nhất trong 7 năm trở lại đây

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Trong mức tăng 1,23% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 so với tháng 12/2019 có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2020 tăng 6,43%. Lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 1 tăng vọt được lý giải là do giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. (Phương Nga)