Thị trường thịt lợn: Doanh nghiệp có bắt tay thao túng giá?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng có phần giảm nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao chót vót. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, có hay không việc các DN đang cùng bắt tay thao túng, làm giá thị trường thịt lợn?

 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Hapro Thành Công. Ảnh: Hải Linh

Nghịch lý cung - cầu
Sau nhiều nỗ lực giảm giá thịt lợn, song đến thời điểm này, giá thịt lợn trên thị trường vẫn dao động từ 150.000 – trên 200.000 đồng/kg. Nguyên nhân được giải thích là do thiếu nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, đây cũng là thời điểm tốc độ tái đàn lợn mạnh; tổng đàn lợn đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con, tăng 2 triệu con so với tháng 2/2029. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 sẽ tăng 18,4% so với năm 2019, tương đương 3,9 triệu tấn. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn, 4 tháng đầu năm 2020, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng 312% so với cùng kỳ.
Chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg. Về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lãi 25.000 đồng/kg. Nếu tăng thêm 10.000 đồng, khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày. Do vậy, cần sớm bình ổn giá thịt lợn để hài hòa lợi ích các bên, đồng thời cũng là giải pháp phát triển ổn định ngành hàng này.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng
Ở góc độ tiêu dùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng phải chấp nhận giảm lượng tiêu thụ hàng ngày hoặc lựa chọn sản phẩm kém chất lượng với giá rẻ. “Có một nghịch lý là trong khi nguồn cung thịt lợn tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm nhưng giá thịt lợn vẫn không giảm” - ông Hùng nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Cao Xuân Quảng chỉ ra, ngành chăn nuôi lợn đang được nắm giữ bởi nhiều DN lớn. Để thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu, mà mỗi khâu đều có nhóm DN, nhóm kinh doanh nắm lợi thế. Trong khi các DN đều cam kết hạ giá lợn xuống mức 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng thực tế đang có sự chênh lệch lớn giữa giá lợn hơi và thịt lợn. “Đáng lưu ý là thị trường thịt lợn không biến động nhỏ lẻ mà biến động theo dạng sóng đồng loạt. Điều này đặt ra nghi vấn, có hay không hành vi cùng nhau bắt tay làm giá để cùng hưởng lợi” - ông Quảng đặt vấn đề.
Cần minh bạch thông tin
Để tránh dư luận nghi ngờ việc bắt tay làm giá thịt lợn, theo ông Cao Xuân Quảng, cần xây dựng cơ chế công bố minh bạch thông tin về thị trường thịt lợn. Song song với đó, tăng cường kiểm tra, bảo đảm minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn. Xử lý nghiêm các các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, găm hàng, đầu cơ, thao túng giá… “Hiện, cơ quan cạnh tranh cũng đang thu thập thông tin đánh giá có hay không việc lạm dụng thị trường, cùng nhau găm hàng đẩy giá” - ông Quảng thông tin.
Về phía các DN, cần hợp tác với cơ quan quản lý ổn định thị trường thịt lợn, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cân đối tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để vừa bảo đảm dinh dưỡng và tránh áp lực lên giá thịt lợn.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc giá thịt lợn đang ở mức cao chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận người chăn nuôi. Về lâu dài, điều này sẽ gây khó khăn cho rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang ồ ạt tái đàn do giá lợn giống, chi phí thức ăn, dịch vụ thú y… tăng cao. Nếu tiếp tục duy trì đà này, khoảng 4 - 6 tháng nữa khi xuất đàn ra thị trường, giá thịt lợn hạ thấp, người chăn nuôi sẽ chịu rủi ro rất cao. “Khi giá lợn tăng cao, Chính phủ phải tăng nhập khẩu để giảm giá. Nếu kéo dài, có thể tạo thói quen cho người tiêu dùng về sử dụng thịt nhập khẩu. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi khi mất lợi thế ngay trên chính sân nhà” - ông Cường cảnh báo.