Thị trường trái phiếu - “mảnh đất màu mỡ” của dòng vốn 2020

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dòng vốn ngân hàng đang ngày càng bị “siết” lại để đảm bảo an toàn hệ thống, thị trường chứng khoán chịu nhiều rủi ro từ các biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, năm 2020, kênh trái phiếu được dự báo sẽ là “mảnh đất màu mỡ” của dòng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của các tổ chức, DN.

“Điểm sáng” trái phiếu Chính phủ
Ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động, theo đó, tập trung toàn bộ hoạt động đấu thầu phát hành, giao dịch trái phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Sau 10 năm, cùng với sự phát triển đa dạng về sản phẩm, trên thị trường TPCP ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư mới như các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các DN bảo hiểm ngày càng tham gia tích cực trên thị trường TPCP. Đặc biệt, trên thị trường TPCP đã có sự tham gia của nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.
 Ảnh minh họa.
Đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư dài hạn đạt 55% (tăng 35% so với cuối năm 2009), của các ngân hàng thương mại giảm xuống mức khoảng 45% (giảm 35% so với cuối năm 2009). Đồng thời, TPCP đã trở thành công cụ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoạt động tái cấp vốn.
Theo đại diện Bộ Tài chính, sản phẩm TPCP được phát triển ngày càng đa dạng, là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho mọi loại hình nhà đầu tư. Năm 2009, trên thị trường TPCP chỉ có các sản phẩm kỳ hạn từ dưới một năm cho đến 10 năm. Đến nay, trên thị trường TPCP có đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn hạn đến kỳ hạn 20 năm, 30 năm.
Quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. Tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ qua của thị trường TPCP Việt Nam là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.
Trái phiếu doanh nghiệp - quy mô tăng nhưng còn ngổn ngang, sơ khai
Cuối quý I/2019, cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chuyển từ Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) sang HNX. Sở này bắt đầu công bố đầy đủ thông tin các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Theo thống kê công bố từ HNX và từ các DN, trong năm 2019, có 211 DN thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Hầu hết các DN phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại. Có duy nhất một lô phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD của VPB vào 17/7/2019 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,25%/năm và trái phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9,01% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, mặt dù quy mô thị trường tăng trưởng liên tục qua các năm nhưng hiện kênh trái phiếu DN vẫn có quy mô khá nhỏ bé so với các kênh huy động vốn khác. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại cuối 2019 khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương tới 138,4% GDP và gấp tới 12,3 lần quy mô thị trường TPDN.
Năm 2020 - nhiều cơ hội huy động vốn từ thị trường trái phiếu
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2020 sẽ là năm mà thị trường trái phiếu lên ngôi trước những động thái siết tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ mang tới cơ hội cho các DN phát hành thêm trái phiếu, dòng vốn mới còn mang tới động lực để thị trường hoàn thiện chính mình.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX, lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa quy mô của thị trường trái phiếu đạt mức 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030...
Để hoàn thành được mục tiêu này, tới đây, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung tăng thanh khoản thông qua các giải pháp: phát hành TPCP chuẩn để nhà tạo lập thị trường chào giá cam kết chắc chắn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch; cải thiện hệ thống thông tin, xây dựng chuyên trang trái phiếu bằng tiếng Anh; phát triển hệ thống nhà tạo lập với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết, giao dịch TPCP.
HNX cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường, hướng tới một hệ thống với hạ tầng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, HNX cũng tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm mới, phát triển thị trường bán buôn và từng bước tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài.
Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI: Thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung được định hướng phát triển thành kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, thay thế dần cho kênh tín dụng. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng thương mại lại là tổ chức phát hành lớn nhất trong đó gần 70% trái phiếu kỳ hạn ngắn nhưng lại ở lãi suất thấp.
Các nhà đầu tư cá nhân ngày một tham gia tích cực hơn vào thị trường nhưng các cơ chế bảo vệ nhóm nhà đầu tư này chưa thực sự hoàn chỉnh. Một số DN đã chia nhỏ các đợt phát hành để chào bán riêng lẻ, nhờ đó không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin. Thông tin công bố thường thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn trái phiếu, tình hình tài chính của DN trước và dự kiến sau phát hành.
Thông tin công bố còn khó tra cứu và chưa đầy đủ, ví dụ nội dung đối tượng mua trái phiếu từ chỗ ghi rõ tên người mua đã rút lại chỉ còn ghi “tổ chức trong nước”.
Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 để trình Chính phủ cho thấy các vấn đề này đều đã được nhận diện và xử lý. Nhu cầu lớn từ thị trường và hiệu lực điều hành từ cơ quan quản lý là những yếu tố cơ bản thúc đẩy thị trường TPDN phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Theo thống kê của Ngân hàng Châu Á (ADB), tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (gồm cả TPCP và TPDN) tại 30/9/2019 là 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP - mức tương đương với Philippines nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Thái Lan (xấp xỉ 60% GDP). Các nước càng phát triển thì tỷ trọng kênh trái phiếu trên GDP càng lớn như Nhật Bản là 214% GDP; Hàn Quốc là 120% GDP 2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần