Thị trường vận tải khách: Khó chồng khó

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng đuối sức trước sự phát triển nở rộ của xe khách trá hình, xe dù bến cóc lại hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường vận tải hành khách (VTHK) của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác càng khó chồng khó và bấp bênh bên bờ vực đổ vỡ.

Vận tải hành khách gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Hải Linh
Nhiều tác động tiêu cực cùng lúc
Theo thống kê của đơn vị quản lý các bến xe, ngày bình thường 3 bến xe lớn của Hà Nội là Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm có khoảng 2.500 lượt xe với khoảng 7,5 vạn lượt hành khách xuất bến, nhưng dịp cao điểm Tết và những ngày vừa qua, số lượng này đã giảm rất mạnh khiến cả đơn vị quản lý bến và DN vận tải “sốc” nặng.

Cụ thể, trong các ngày trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày cả 3 bến xe lớn của Hà Nội chỉ có khoảng 1.300 lượt xe xuất bến, giảm 1.200 lượt xe với khoảng 3,6 vạn lượt hành khách, tương đương 52%. Có trường hợp cá biệt như bến xe Gia Lâm, do vừa ảnh hưởng dịch, vừa ảnh hưởng bởi “lệnh” cấm hoạt động vận tải khách của các tỉnh có dịch như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhiều thời điểm, bến xe chỉ có khoảng 200 xe xuất bến, giảm 500 lượt (72%) so với ngày thường. Còn tại bến xe Giáp Bát, lượng khách qua bến hiện chỉ còn khoảng 60% so với trước kia; 50% số xe hoạt động tại đây đã bỏ bến. Bến xe Mỹ Đình, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chỉ còn khoảng 50% lượng khách, và có đến 40% số xe bỏ bến.

Đại diện Công ty TNHH Minh Thành Phát chia sẻ, trước đây DN này có khoảng 20 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Lào Cai, tần suất hoạt động 15 - 20 phút/lượt, nhưng nay có lúc phải đến 120 phút mới được 1 lượt xe xuất bến. “Hiện chúng tôi chỉ duy trì được 5 lượt xe/ngày, giảm 75%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách đi lại giảm quá lớn” - vị này cho hay.

Trong khi đó, nhiều DN cho biết, xe khách “trá hình”, đội lốt xe hợp đồng vận chuyển khách liên tỉnh ngày càng nở rộ, trong khi lực lượng chức năng gần như không kiểm soát được, càng tạo thêm áp lực, đẩy DN đến bờ vực phá sản. Một DN vận tải tuyến Nước Ngầm - Vinh (xin giấu tên) cho biết: “Mấy đợt giãn cách vì Covid-19, cùng với đó là nạn xe trá hình, xe dù hoành hành, chúng tôi sắp “vỡ nợ” hết rồi. Mà vỡ nợ, bán xe cũng chưa chắc có ai mua”.

Bỏ bến đi… đâu?

Thời gian qua, tất cả các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đều có hiện tượng xe khách ồ ạt bỏ bến. Câu hỏi đặt ra là các xe này bỏ bến đi đâu? Khi được hỏi, tất cả các đơn vị quản lý bến xe đều không dám khẳng định các xe này bỏ bến ra ngoài chạy “dù” với lý do không thuộc thẩm quyền, chức năng nên không nắm bắt được thông tin. Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các bến xe thống kê danh sách xe không bảo đảm tần suất hoạt động tại các bến để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là động thái rõ rệt, nghiêm minh để đảm bảo trật tự của thị trường vận tải. Tuy nhiên, nhiều DN đặt câu hỏi: Vậy DN phải làm gì để tồn tại trong bối cảnh vừa sụt giảm lượng khách vì dịch bệnh Covid-19, vừa bị xe khách “trá hình”, xe dù bến cóc chèn ép nặng nề như hiện nay (?).

Một DN vận tải trên tuyến Mỹ Đình - Quảng Ninh (xin giấu tên) bức xúc cho biết: “Các xe bỏ bến là bỏ đi đâu? Bến không có khách, xe thì không thể không chạy vì còn phải kiếm tiền trả nợ ngân hàng, duy trì cuộc sống người lao động. Vậy tất nhiên sẽ có những xe bỏ ra ngoài chạy dù. Đó là thực tế bắt buộc phải “vùng vẫy” để tồn tại chứ không ai muốn làm trái quy định của pháp luật”.

Các tổ chức cầu nối như: Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Hiệp hội bến xe Việt Nam đều đã kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ thiết thực cho DN VTHK, chia sẻ khó khăn trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Quan trọng hơn là cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp ngay lập tức, xử lý xe khách “trá hình”, xe dù bến cóc để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực VTHK.
Nếu không có giải pháp ngay lập tức, thị trường VTHK sẽ sụp đổ, các bến xe sẽ chỉ còn là cái xác không hồn trong khi đường phố tràn ngập xe khách “trá hình”, gây rối loạn cả hệ thống giao thông đô thị.

Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần