Thị trường xăng dầu năm 2021: Chu kỳ tăng giá mới đang đến gần

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia dự báo, từ nay đến giữa năm 2021, giá xăng dầu sẽ tăng khoảng 15 - 25%, bởi chu kỳ tăng giá mới của thị trường dầu mỏ đang đến gần. Việc dầu thô tăng giá sẽ tạo cơ hội cho DN kinh doanh xăng dầu thu lãi bù đắp những khoản lỗ mà DN đã phải chịu đựng do dịch Covid-19.

Giá dầu có khả năng vượt mốc 70 USD/thùng
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 25/2/2021 vừa qua đang có xu hướng tăng mạnh từ 8,02 - 10,37%. Hiện mức giá đang là 67,645 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 5,80 USD/thùng, tương đương tăng 9,37% so với kỳ trước); giá xăng RON 95 là 69,220 USD/thùng (tăng 6,09 USD/thùng, tương đương tăng 9,65% so với kỳ trước); giá dầu diesel 0.05S là 68,247 USD/thùng (tăng 6,41 USD/thùng, tương đương tăng 10,37% so với kỳ trước); giá dầu hỏa 0.05S là 66,604 USD/thùng (tăng 6,19 USD/thùng, tương đương tăng 10,25% so với kỳ trước).
Bước sang tháng 3, ngay trong những ngày đầu giá xăng dầu trên các sàn giao dịch cũng tăng giá. Hiện tại sàn giao dịch Nymex giá dầu thô giao tháng 3/2021 đang ở ngưỡng 63,8 USD/thùng - tăng 87 cent, giá dầu Brent (giao tháng 4/2021): 66,3 USD/thùng - tăng 89 cent; tại sàn Tokyo, giá dầu thô giao tháng 6/2021): 42,100 JPY/thùng - tăng 200 JPY.
 Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong tháng 1/2020, giá dầu thế giới sụt giảm chưa từng có, các công ty kinh doanh dầu mỏ đã phải bán với giá dưới 0 USD/thùng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động vận tải, sản xuất “đóng băng” nên nhu cầu suy giảm, đồng thời kho dự trữ xăng dầu đã hết công suất, không còn chỗ để mua thêm. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Công nghệ Thông tin Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) Vũ Ngọc Trình: Từ nửa cuối năm 2020 đến nay dịch Covid-19 dần được kiểm soát nên hoạt động kinh doanh được phục hồi ở nhiều nền kinh tế và thị trường dầu thô toàn cầu đã hợp lý hóa nguồn cung.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí từ tháng 1/2021 cắt giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày, xuống còn 5,8 triệu thùng/ngày và sẽ kéo dài đến tháng 6/2021. Việc cắt giảm sản lượng, trong khi nhu cầu tiêu thụ đã có dấu hiệu khởi sắc nên từ tháng 1/2021 đến nay giá dầu thô trên thế giới đã tăng khoảng 30%. Các tổ chức quốc tế cũng dự báo, giá dầu có khả năng vượt qua mốc 70 USD/thùng trong thời gian tới.
Đồng tình với phân tích này, TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia) nhận định: Giá dầu năm 2021 có tăng nhưng không quá nhiều và chưa thể về mức trước đại dịch (2019), nhưng trong xu hướng ngắn hạn của giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức tăng khoảng 15 - 25% và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu.

Giá dầu bật tăng - người mừng, kẻ lo

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá dầu tăng trở lại sẽ tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam. Ở khía cạnh tích cực, giá dầu thế giới tăng sẽ kéo theo tăng thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô, đồng thời các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng sẽ tăng. Thực tế cho thấy, việc dầu thô tăng giá nên 2 tháng đầu năm 2021 trong 4 lần điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương đã có 3 lần tăng và 1 lần giữ nguyên đã tạo cơ hội cho DN kinh doanh xăng dầu lãi lớn.
Báo cáo mới phát hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, trong quý 4/2020, Petrolimex (DN chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu) lãi 1.359 tỷ đồng. Con số này cao hơn cả cùng kỳ của năm 2019 chỉ đạt được 1.296 tỷ đồng. Điều đáng nói là năm 2020 bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp trong năm 2020, Petrolimex ghi nhận kết quả lãi và cũng là quý lãi cao nhất trong năm.
Đặc biệt, khoản lãi của Petrolimex trùng với những thời điểm xăng dầu liên tục được Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá; đồng thời khi Petrolimex cũng giải trình Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, DN này cũng thừa nhận kinh doanh xăng dầu có lãi nhờ giá dầu thế giới tăng trở lại, sản lượng bán tăng.

Không chỉ Petrolimex, các công ty dầu khí cũng được hưởng lợi từ việc xăng dầu tăng giá. Trong những phiên giao dịch đầu Xuân Tân Sửu, hàng loạt mã cổ phiếu dầu khí đều có sắc xanh. Tính riêng từ đầu tháng 2/2021 đến nay, cổ phiếu Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) tăng 38% và được giao dịch ở mức 22.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng 39%, và được giao dịch ở mức 21.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BSR của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 38%... Nhiều mã cổ phiếu khác như GAS, PLX, PVT, OIL… đều tăng giá. Như vậy, với việc giá dầu tăng, nhóm bán lẻ xăng dầu sẽ được hưởng lợi, nhất là khi có lượng tồn kho lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ có triển vọng gia tăng.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu thế giới tăng sẽ tạo áp lực cho lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay. Giá dầu thế giới tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN nhất là DN vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Hoàng (Viện Dầu khí Việt Nam) nêu rõ: Diễn biến giá dầu trong những tháng gần đây tác động tích cực đến ngành khai khoáng, nhất là dầu khí (hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP). Đối với tập đoàn, DN khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… nếu giá dầu giảm xuống thấp sẽ làm giảm nguồn doanh thu, đẩy giá cổ phiếu giảm mạnh và phải chịu sức ép thoái vốn từ các nhà đầu tư nên tiền nộp thuế thu nhập vào ngân sách nhà nước cũng giảm tương ứng.

"Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia đã giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên. Trong khi đó, nguồn cung đang được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ đã giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc và thị trường xăng dầu Việt Nam cũng khởi sắc theo giúp ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu. Lấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm ví dụ, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy với việc tăng giá dầu thì PVN và ngân sách nhà nước cùng hưởng lợi."- Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia