Thị trường xuất khẩu: Doanh nghiệp Việt vẫn “đói” thông tin

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu thông tin, sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhiều hạn chế đang là những rào cản đối với DN xuất khẩu trong nước.

Do đó, mong muốn chung của DN là có những kênh kết nối thực sự hiệu quả thông qua các Thương vụ để hạn chế rào cản, thiệt hại,… là những chia sẻ của nhiều DN tại Hội nghị Tham tán thương mại 2018, do Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra ngày 7/2.

Nhiều kỳ vọng

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 59 quốc gia đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Sau 10 năm gia nhập WTO (2007 - 2017), tổng kim ngạch thương mại Việt Nam tăng gấp 3 lần. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 2 năm 2016 - 2017, với 57 Thương vụ và 7 chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động XTTM.
Một hoạt động xúc tiến thương mai giữa DN Việt Nam - Hàn Quốc do Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên
Hoạt động hỗ trợ DN của các Thương vụ tập trung vào cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ DN trong tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng; hỗ trợ DN trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn, tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp thương mại...

Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước. Tiêu biểu như tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan... “Hệ thống Thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các DN trong nước. Đồng thời, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài.”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

… vẫn chưa hiệu quả

Trong khuôn khổ hội nghị Tham tán thương mại, tại phiên đối thoại giữa Sở Công Thương, DN các tỉnh phía Bắc và Tham tán, Tùy viên Thương mại chiều 7/2, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty XNK Bắc Âu Lưu Kim Anh cho biết, mặc dù là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường Anh, Mỹ, Nhật và một số thị trường châu Âu, song thực hiện giao dịch kết nối chủ yếu vẫn phải qua khâu trung gian. Bởi vậy, ngoài lợi nhuận thấp thì còn nhiều khó khăn khác như việc mất rất nhiều thời gian đề chờ sự hồi đáp từ phía khách hàng với các mẫu mã sản phẩm, giá cả, phương thức… Trong khi đó, đại diện một DN dệt may kéo sợi tại Thái Bình ngậm ngùi, DN đang phải đối mặt với một vấn đề hết sức nhức nhối mà không biết làm thế nào. Chẳng hạn, như các thương vụ giao dịch với các DN Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… DN Việt thường xuyên gặp phải gian lận thương mại về chất lượng, có những vụ việc từ lâu rồi nhưng giờ vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”. Do đó, vị này mong muốn Thương vụ nắm bắt thông tin và cung cấp đối tác uy tín và có bước bảo vệ các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Tại hội nghị, đa số các Tham tán đều chia sẻ về những nỗi niềm của DN. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Đào Việt Anh đã thẳng thắn thừa nhận, việc “đói” thông tin về nhu cầu thị trường, về quy định, chính sách thương mại, hệ thống thương nhân, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của DN và người dân bản địa,… luôn là hạn chế gây cản trở lớn cho hoạt động giao thương, hợp tác giữa DN hai bên, nhất là các DN nhỏ và vừa của Việt Nam. "Để khắc phục, chúng tôi đã tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước tổ chức nhiều buổi giới thiệu thông tin về thị trường nhằm trực tiếp trang bị những kiến thức, thông tin cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng vì thông tin luôn phải cập nhật hàng ngày nên cần sự nỗ lực rất lớn của chính DN." - ông Đào Việt Anh chia sẻ.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mức 214 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với năm 2016, thặng dư thương mại 2,67 tỷ USD không chỉ là con số ấn tượng từ trước đến nay. Đạt được kết quả này, các đại diện thương mại cũng hòa mình chung với nhiệm vụ, khai thác các cơ hội từ thị trường, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ thông tin cho DN.