Thiên Ngọc Minh Uy tự xin rút phép: Nhiều toan tính

Nhóm PV KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/4, Thông báo của Bộ Công Thương về kết quả xử phạt Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy nêu rõ, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều lo ngại, DN này đang toan tính những bước đi mới.
Nhiều sai phạm
Trước đó, Bộ Công Thương đã có kết luận kiểm tra số 343 về việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Kết luận đã nêu rõ 8 hành vi vi phạm Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Công ty ​này trong quá trình hoạt động kinh doanh đa cấp. Cụ thể, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh và phạt tiền Thiên Ngọc Minh Uy với số tiền 140 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm là: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại khoản 2, điều 24, Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Thiên Ngọc Minh Uy không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp và duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp. Trong khi đó, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sau khi kiểm tra đã tiến hành xử phạt Công ty Thiên Ngọc Minh Uy 75 triệu đồng do không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc nơi DN có hoạt động bán hàng đa cấp; Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.

Trưa 25/4, trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại quận Cầu Giấy vẫn có người ra vào. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh, trong năm 2016, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, TP, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng. Số liệu từ cơ quan quản lý cũng cho thấy, có hơn 250.000 người đã được cấp các mã thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá, số lượng thành viên tham gia theo hình thức chân rết của hệ thống đa cấp với mô hình hoạt động tinh vi này lên tới hơn 1 triệu người. Nhiều vụ việc tai tiếng với các dấu hiệu lừa đảo đã được dư luận phản ánh đến các cơ quan chức năng trong thời gian qua.
Liệu có biến tướng?
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong sáng 25/4, trụ sở chính của Thiên Ngọc Minh Uy, tại A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vẫn hoạt động bình thường.
Theo ông Bùi An, cán bộ hưu trí: Lẽ ra việc chấm dứt hoạt động của đơn vị này phải được thực hiện lâu rồi, không hề làm ra sản phẩm nhưng luôn luôn huy động vốn với những hợp đồng mà phần thua thiệt chỉ rơi vào khách hàng, việc đòi lại những gì đã góp là vô cùng khó khăn, chỉ thương những người nhẹ dạ đã chót tham gia. Trong khi bà Phạm Thị Lý, người đã từng mua 4 mã chăm sóc sức khỏe của Thiên Ngọc Minh Uy không tin vào việc công ty ngừng hoạt động. Bà vẫn hy vọng vì mới hôm trước các thành viên trong Công ty còn họp bàn hướng phát triển và quyết định không rút tiền ra khỏi Thiên Ngọc Minh Uy, vì họ nói năm 2017 này có nhiều chương trình khởi sắc bởi họ sẽ lên thành Tập đoàn.
Trong khi nhiều người am hiểu về lĩnh vực kinh doanh đa cấp lo ngại Thiên Ngọc Minh Uy ngừng kinh doanh đa cấp thì việc Công ty này sẽ nhanh chóng "tái sinh" dưới hình hài một công ty khác: "Trước kia Công ty này lấy tên Sinh Lợi, sau tai tiếng quá nhiều đổi thành Thiên Ngọc Minh Uy và không biết sau này lại thành lập lại với cái tên gì?” - Luật sư Nguyễn Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà, chia sẻ.
Lo ngại này càng rõ hơn khi trưa 25/4, trên fanpage của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đăng tải thông tin về sự mạnh dạn thay đổi. Theo thông báo này, Công ty sẽ gom các công ty về một mối để có lý do và hợp thức hóa được việc đưa một phần lợi nhuận của các công ty kia vào các chương trình tiền thưởng của Thiên Ngọc Minh Uy. Công ty này đã chuyển toàn bộ mảng đa cấp sang cho công ty có tên gọi Nhã Khắc Lâm. Thông báo của Công ty khẳng định: “Tập đoàn Thiên Ngọc Minh Uy chuyển đa cấp cho Nhã Khắc Lâm là sự lựa chọn mang tính lịch sử. Sẽ có người đón nhận nó, sẽ có người không chấp nhận nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Thiên Ngọc Minh Uy vẫn tồn tại”.
 Với những nội dung trên có thể hiểu, sau khi xin dừng hoạt động, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tách mảng kinh doanh đa cấp ra một mảng riêng và chuyển sang Công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy  với tên gọi Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm để chuyên sâu mảng kinh doanh đa cấp. Đó chính là lý do, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không còn là đa cấp nữa nên trả giấy chứng nhận đa cấp cho Bộ Công Thương!
Thông báo được cho là của Ban quản trị Thiên Ngọc Minh Uy cũng nêu rõ: “Sự thay đổi trong thời kỳ này là chuyển Thiên Ngọc Minh Uy từ Công ty đa cấp lên tập đoàn. DN sẽ mở ra 7 công ty con chuyên về các lĩnh vực: kinh doanh đá quí, phong thủy, phòng khám đa khoa, hệ thống Spa, thực phẩm chức năng… và có cả công ty kinh doanh đa cấp.
Điều này dấy lên nghi vấn việc Thiên Ngọc Minh Uy xin chấm dứt hoạt động đa cấp thực chất chỉ là một chiêu bài “thay tên” còn bản chất vẫn hoạt động nhưng với cách thức và tên gọi mới.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chia sẻ mọi thông tin về hoạt động và các sai phạm của DN đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ  (C46), Bộ Công an. Theo đó, C46 sẽ đánh giá tính chất của từng vụ việc, từng hành vi. Việc có xem xét xử lý hình sự hay không sẽ do C46 quyết định.

Liên quan đến sự việc, khi Bộ Công Thương đang xem xét các sai phạm của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy về hoạt động bán hàng đa cấp thì công ty này đã tự xin chấm dứt hoạt động, Chiều ngày 25/4, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã cố liên hệ với 2 Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh nhằm làm rõ sự việc nhưng sau nhiều lần gọi (đến số máy 0912xxxxxx) thì được nhân viên trả lời, “sếp” đang họp, nếu cần thông tin thì gửi công văn, Cục sẽ cung cấp.

Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số tiền DN bán hàng đa cấp ký quỹ chỉ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi DN đặt trụ sở chính. Nếu các nhà đầu tư, những người tham gia bán hàng đa cấp có khiếu nại về việc DN chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình với số tiền lớn hơn 5 tỷ đồng, làm sao để DN có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ của mình?
Về vấn đề này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, nếu DN không thể trả được nợ sẽ xem xét đến việc cho phá sản. Nợ nần hiện có 2 loại, những nhà đầu tư, góp vốn cổ phần sẽ xác định bị mất; số tiền còn lại chỉ dành cho các chủ nợ, những người giao dịch hợp đồng, mua bán, theo nguyên tắc, nếu DN có tài sản bảo đảm, có giao dịch bảo đảm sẽ ưu tiên; nếu không, đây sẽ là khoản nợ, không phân biệt ai được, ai mất, không phân biệt ai nhiều, ai ít, mà sẽ chia đều. Đây là điều rất khó, và số tiền chi trả cũng chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí, có khả năng mất trắng.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, trong trường hợp này, Bộ Công Thương đã rút giấy phép bán hàng đa cấp của DN. Nếu DN không vi phạm, có thể chuyển sang hoạt động khác. Nhưng nếu chỉ hoạt động đa cấp, DN sẽ bị dừng kinh doanh. Trường hợp phát sinh kiện cáo, có thể kiện ra tòa phá sản để giải quyết.