Thiệt hại ban đầu sau bão số 5, lũ các sông miền Trung đang lên nhanh

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Bình Định - Phú Yên, bão số 5 gây mưa lớn cho khu vực Nam Trung Bộ, và nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Gần 20 nghìn dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối và khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã được sơ tán đến nơi an toàn.

 Sáng 31/10 tại thành phố Đà Nẵng vẫn có mưa lớn và gió mạnh. Ảnh: TTXVN.

Mưa lũ sau bão diễn biến phức tạp, khó lường
Sáng 31/10, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, do ảnh hưởng của bão số 5, ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 9, ở Quảng Ngãi gió giật cấp 7; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh và gió giật cấp 7-8.
Cùng với đó, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong khoảng 24 giờ qua phổ biến 150 - 350mm, có nơi trên 400mm.
Sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 7h sáng, vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 6 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và tan dần.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Hiện nay, lũ trên các sông Quảng Ngãi đến Phú Yên đang lên nhanh và ở mức BĐ1. Dự báo lũ tiếp tục lên nhanh trong 6 - 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở mức BĐ1 - BĐ2, có nơi dưới BĐ3 từ 0,2 - 0,3m; riêng sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 4,8m (trên BĐ3 là 0,3m), sông Đắc Bla tại trạm Konplong 595,0 (trên BĐ3 là 1m).
Từ ngày 31/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra: lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Nhiều hàng quán bị tốc mái tại TP Quy Nhơn, Bình Định sau bão số 5. Ảnh: Quang Đạt.
7 tàu hàng đứt neo tại cảng Quy Nhơn
Về thiệt hại ban đầu của bão số 5, theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tại khu vực cảng Quy Nhơn có 7 tàu vận tải bị trôi neo với 67 thuyền viên trên tàu. Ngay trong đêm, 4 tàu đã tự khắc phục và neo đậu an toàn. Hiện còn 3 tàu bị sóng kéo trôi ra ngoài đang mắc cạn.
Sáng nay, các lực lượng chức năng đang tìm cách hỗ trợ lai dắt tàu gặp nạn vào khu neo đậu của cảng. Ngoài ra, hơn 70 tàu cá neo đậu tại cảng Quy Nhơn bị sóng đánh trôi, dạt vào cầu cảng, va đập mạnh và hư hỏng nặng.
Hàng loạt cây xanh bị gãy đổ tại Đà Nẵng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm 30 đến sáng 31/10 tại TP Đà Nẵng đã có mưa to đến mưa rất to cộng với gió lớn làm nhiều cây xanh trên một số tuyến đường bật gốc, gãy đỗ vào đường dây điện, phương tiện giao thông và gây cản trở giao thông. Hiện lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đang tập trung xử lý, khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, theo nguồn tin tiêng của PLO, 1 tàu cá của ngư dân TP Đà Nẵng đã chìm sóng đánh chìm. Tàu cá gặp nạn mang số hiệu ĐNa- 27028, có công suất 30CV của ông Đinh Ký Lộc Phước (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm nghề giả cào đã sóng đánh chìm ở khu vực trước trạm CT 15. Rất may vụ việc không có thiệt hại về người.
Sơ tán gần 20 nghìn dân
Trong khi đó, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh/TP ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối và khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất với tổng số 5.888 hộ/19.803 người; di dời, gia cố 2.462 lồng bè/9.278 lao động vào nơi an toàn; thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, trong đó khách sạn trên đảo Vạn Ninh (Khánh Hòa) ngừng hoạt động.
Hơn 800m đường bê tông ở thôn Đầm Môn (huyện vạn Ninh, Khánh Hòa) bị sóng biển đánh sập trong cơn bão.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP đã tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến mưa, bão và triển khai các biện pháp ứng phó, tổ chức cấm biển, cử trực tiếp lãnh đạo xuống các khu vực trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, trong đó các 3 Tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định đã cử trực tiếp lãnh đạo xuống địa bàn chỉ đạo các lực lượng cứu hộ đối với các tàu vận tải, tàu cá bị đứt neo trôi dạt, va đập.
Tổng hợp báo cáo ban đầu tại các địa phương cho thấy, có 2 người bị thương (Quảng Ngãi). Mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Trong khi đó nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương huy động lực lượng cứu hộ những tàu vận tải đang bị mắc tại khu vực cảng Quy Nhơn; Khôi phục hệ thống điện bị sự cố và vệ sinh môi trường sau bão; Khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông, đặc biệt là lưu vực sông Vệ tại Quảng Ngãi; Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu; Duy trì lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.