Sau khi đổ bộ đất liền vào chiều 15/11, bão số 13 gây gió mạnh cấp 4 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 3. Số liệu quan trắc cho thấy, trong ngày 14 - 15/11, hoàn lưu bão số 13 gây mưa to đến rất to tại nhiều địa phương. Cụ thể, tại khu vực hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 205mm; Vạn Trạch (Quảng Bình) 264mm; Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 316mm…
Mưa to, gió lớn bởi ảnh hưởng của bão số 13 đã khiến ít nhất 1 người ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị chết, cùng 18 người khác bị thương khi chằng chống nhà ở. 5 ngôi nhà bị sập đổ, cùng 1.505 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; tập trung chủ yếu tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Dù không xảy ra sự cố về trên biển, tuy nhiên, bão số 3 khi đổ bộ cũng khiến 13 tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu. Ngành điện lực ghi nhận 2 sự cố lưới điện đường dây 110KV tại TP Đà Nẵng; 17 trụ điện bị gãy đổ ở tỉnh Quảng Trị. Hàng trăm xã, phường thuộc 6 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục được cắt điện chủ động đảm bảo an toàn trong mưa lũ do hoàn lưu bão số 13.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, việc bão số 13 giảm cấp đã giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đất liền và vùng ven biển. Dù vậy, nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất sau bão số 13 là rất lớn. Ông Mai Văn Khiêm đưa ra nhận định, ít nhất là trong ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 100 - 150mm, có nơi trên 200mm. Ở khu vực Thanh Hóa đến phía Bắc Nghệ An cũng có mưa nhưng lượng nhỏ hơn, chỉ từ 40 - 80mm.
Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, các bộ: NN&PTNT, Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành hàng chục hồ chứa thủy điện, thủy lợi xả điều tiết qua tràn. Trước đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp hồ chứa vận hành không bảo đảm an toàn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, sau khi bão đi qua, đơn vị đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tập trung huy động lực lượng để vệ sinh môi trường, làm sạch hệ thống cấp nước sạch. Đồng thời, hướng dẫn người dân vùng thiên tai sử dụng hóa chất để xử lý nước sinh hoạt.
Từ thực tế thiệt hại thường gia tăng do mưa lũ sau những cơn bão, áp thấp nhiệt đới, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho rằng, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời sự cố có thể xảy ra.