Thiệt hại do mưa lũ tăng nhanh, ít nhất 5 người thiệt mạng, giao thông nhiều nơi tê liệt

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tối 24/6, thống kê sơ bộ cho thấy thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã khiến ít nhất 5 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ đồng tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ảnh: Báo Lai Châu.
Lai Châu: 3 người chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Theo ghi nhận, từ ngày 23 - 24/6, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Tam Đường gây sạt lở giao thông nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 4D và thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người.

Cụ thể, mưa lớn khiến sạt lở nghiêm trọng tuyến quốc lộ 4D (đoạn từ km69 đến km89 thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. Hiện, cơ quan chức năng chưa thống kê được có bao nhiêu điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ 4D đi Lai Châu - Lào Cai. Đất đá, nước lũ làm hỏng gần 200m mặt nền đường tại km69+200 đến 69+400.

Tại xã Sơn Bình, lũ kèm theo sạt lở đất đã cuốn trôi hoàn toàn 2 trại cá nước lạnh và 1 người bị mất tích. Ước tính thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng. Tuyến tỉnh lộ 136 qua xã Bản Hon cũng bị tê liệt tại khu vực ngầm tràn bản Thẳm và sạt lở đất tại khu vực Nhà văn hóa bản Chăn Nuôi.

Tình trạng ách tắc cũng xảy ra tại các xã: Bình Lư, Khun Há gây chia cắt giao thông về một số bản. Hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo và cử cán bộ làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại các điểm sạt lở và tìm kiếm người bị mất tích cũng như giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại vận chuyển tài sản đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng cuốn trôi mặt đường quốc lộ 4D, đoạn qua Thủy điện Chu Va.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh radar, ảnh định vị sét cho thấy đang tồn tại vùng mây đối lưu trên khu vực các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biện gây mưa. Cảnh báo trong đêm 24/6, sạt lở đất, lũ quét có nguy cơ xảy ra ở các huyện Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên, (Lai Châu), Mường La, Quỳnh Nhai (Sơn La), Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai), Mù Cang Chải, Lục Yên, Trạm Tấu, Yên Bình (Yên Bái), Tủa Chùa (Điện Biên), Mường Chà (Điện Biên), Tuần Giáo (Điện Biên).
Trong khi đó, nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ 12, 4H, tỉnh lộ 127 thuộc địa phận huyện Nậm Nhùn đã bị tê liệt do sạt lở đất đá nghiêm trọng. Hiện nay, mưa vẫn rất lớn, các phương tiện ô tô, xe máy đang đợi thông tuyến.

Tại quốc lộ 4H, đoạn đường từ xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) đi huyện Mường Tè xảy ra hơn 20 điểm sạt lớn, nhỏ. Sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại vị trí mố cầu tại Km299+900 (thuộc địa phận bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn), đã làm mất nền đường, hiện nay các phương tiện chưa thể di chuyển được vì khối lượng đất đá sạt rất lớn. Tuyến đường 4H đi huyện Mường Tè đang bị tê liệt hoàn toàn.

Tại huyện Sìn Hồ, đêm qua (23/6), một vụ lở đất đá nghiêm trọng xảy ra tại Km60 quốc lộ 12, đường từ Lai Châu đi Điện Biên khiến hàng trăm mét khối đất đá từ trên đỉnh đồi ập xuống nền đường khu vực thuộc xã Noọng Hẻo, cách ngã ba Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) khoảng 12km.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Lai Châu, tính đến chiều 24/6, mưa lũ khiến 3 người chết, 3 người người mất tích, 5 người bị thương, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng tài sản của nhà nước và nhân dân.
Hà Giang: Nhiều khu vực bị ngập, giao thông chia cắt

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần lên nên từ chiều tối và đêm 22 - 24/6, trên địa bàn tỉnh có mưa rào và dông ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và hoa màu của nhân dân.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tính đến 15h chiều 24/6, mưa lớn xuất hiện ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Lượng mưa đo được ở TP Hà Giang 126mm, Hoàng Su Phì (trạm Thông Nguyên) 129mm, Bắc Quang 223mm, Đồng Văn 60mm, Bắc Mê 56mm. Mưa lớn đã làm sập nhà tại xã Lùng Tám (Quản Bạ) khiến 2 người chết, đó là bà Giàng Thị Mỷ, 41 tuổi và cháu Lò Thị Lầu, 5 tuổi (con gái bà Mỷ).
Ảnh: Báo Hà Giang
Tại huyện Quang Bình, có 1 nhà bị sập hoàn toàn và 1 nhà bị nghiêng có nguy cơ đổ. Huyện Quản Bạ có 9 hộ nhà bị đổ tường, sạt lở; 15 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 4 nhà có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở tả luy; 63 hộ bị ngập úng nền, chân tường; khoảng 20 hộ có nguy cơ bị cô lập; 3 nhà bị hư hỏng chất lợp, tốc mái từ 10 - 30%. Tại TP Hà Giang, có 444 bị ngập úng; 3 nhà có nguy cơ bị đổ bếp.

Bên cạnh đó, mưa lớn làm 55,5ha cây cối, hoa màu ở huyện quản Bạ và TP Hà Giang bị ngập úng; 14ha lúa, ngô ở Bắc Mê và TP Hà Giang bị ngập úng; 4 lồng cá trên Sông Miện (địa phận TP Hà Giang) phải di dời; 3 trường học bị đổ tường rào và một số đồ vật dụng, đồ dùng học tập của học sinh bị hỏng do thấm nước. Tuyến đường Quốc lộ 4C từ Km62 - Km67 bị vùi lấp đất, đá một số đoạn, gây ách tắc giao thông; đường Tỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám (Quản Bạ) đang sạt lở nhiều địa điểm với khối lượng ước tính khoảng 3.500m3; 7 khu vực ở TP Hà Giang bị ngập, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; tuyến đường Xín Cái - Sơn Vĩ (Mèo Vạc) bị sạt 30m3 đất, đá; hư hỏng 1 công trình kênh mương dẫn nước; sạt lở kè bờ sông Miện ở xã Lùng Tám (Quản Bạ); 1 trụ sở thôn bị sập tưởng. Ước tổng thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

Ngay khi xảy ra mưa lớn, UBND các huyện, TP đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; kiểm tra, xác minh tình hình thiệt hại trên địa bàn các huyện; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến của thời tiết và xử lý thông tin kịp thời; thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ" để xử lý, khắc phục thiên tai...
Bắc Kạn: Mưa lớn phổ biến trên 150mm
Theo Ban PCTT&TKCN tỉnh, đêm 23/6 và sáng 24/6 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xuất hiện mưa giông kèm theo gió giật, một số địa phương có lượng mưa lớn gây sạt lở đất và hư hỏng cây cối, hoa màu như: Huyện Ngân Sơn 208mm; xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể 177mm; thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn 151mm...

Theo báo cáo sơ bộ, mưa to kèm giông lốc đã làm gần 7ha lúa, ngô bị ngập úng và bùn đất tràn qua; khoảng 0,4ha thủy sản bị lũ cuốn làm vỡ bờ và thiệt hại về cá khoảng 600kg; khoảng 0,1ha ngô đồi bị sạt, một ruộng lúa tại huyện Ngân Sơn bị sạt hơn 20m2.

Về giao thông, tuyến đường thôn Khuổi Liên, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể bị hư hỏng nặng với chiều dài 10m, hiện nay rất khó khăn cho việc đi lại của nhân dân thôn Khuổi Liên. 7 tuyến đường tràn trên tỉnh lộ 258B và 251 bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Ảnh: Báo Lai Châu
Điện Biên: Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét

Chiều 24/6, ngành chức năng tỉnh thông tin, dù mưa lũ tại các tỉnh Tây Bắc đang có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên tại một số tuyến giao thông trọng điểm tại tỉnh Điện Biên như: Quốc lộ 12, quốc lộ 4H, quốc lộ 279 mới chỉ xảy ra các điểm sạt lở nhỏ, không đáng nghiêm trọng.

Tại các điểm sạt lở nhỏ này Sở GTVT đều đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ động thông bước 1, thi công nhanh chóng, hót sụt sạt, không để xảy ra ách tắc gây ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin liên lạc hằng ngày 24/24 nhằm kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở xảy ra.

Hiện nay, tại tỉnh Điện Biên, vẫn tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23 - 25 độ Vĩ Bắc. Do đó đến ngày 26/6, tỉnh Điện Biên vẫn tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có khả năng xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh.

Đặc biệt, tại các địa phương như huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, TX Mường Lay và vùng lân cận nguy cơ xảy ra lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.
Lào Cai: Sạt lở chia cắt đường sang Lai Châu

Theo thông tin của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, ngày 23/6, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp cộng với vùng hội tụ gió trên cao đang có xu hướng hoạt động mạnh dần lên, trên địa bàn Lào Cai có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Lượng mưa rải rác từ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm theo dông mạnh. Thời gian xảy ra mưa vừa, mưa to tập trung chủ yếu vào đêm và sáng sớm, tâm điểm mưa tại các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa và TP Lào Cai.

Tại xã Minh Lương, Dương Quỳ, Hòa Mạc và xã Nậm Xây huyện Văn Bàn xuất hiện mưa lớn dữ dội kéo dài, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, lúa, hoa màu các loại của người dân địa phương. Tại xã Văn Bàn, lũ xuất hiện rất nhanh trên suối Ngòi Chăn rồi ảnh hưởng ra các xã xung quanh, bắt đầu khoảng 3h sáng tại Minh Lương, Nậm Xé rồi lan xuống Hòa Mạc, Dương Quỳ.

Thống kê sơ bộ cho biết: Mưa lớn làm nước lũ tràn vào 14 hộ dân gây thiệt hại nhiều tài sản bên trong, nước lũ dâng cao làm ngập úng trên 70ha lúa, hoa màu các loại. Mưa lớn làm sạt lở 3 điểm, với khối lượng hàng trăm mét khối đất đá từ trên đồi cao trượt xuống, khiến tuyến đường Văn Bàn đi Than Uyên, tỉnh Lai Châu bị tê liệt hoàn toàn.
Xã Túc Đán bị cô lập sau khi chiếc cầu treo Nậm Đông bị đứt cáp. Ảnh: VOV.
Yên Bái: Cầu treo đổ sập, cô lập xã vùng cao

Đến chiều tối 24/6, xã Túc Đán, huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái vẫn đang bị cô lập sau khi chiếc cầu treo độc đạo đi vào xã đã bị đứt cáp, sập hoàn toàn.

Cầu treo bị đứt cáp là cầu treo Nậm Đông, xây dựng trên địa phận xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Đây là cây cầu độc đạo đi vào xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Rất may cầu bị sập lúc nửa đêm 24/6, khi đó không có người và phương tiện lưu thông nên không gây thiệt hại.

Hiện nay, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang tính toán các phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ

Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Nội dung công điện nêu: Từ đêm ngày 23/6 ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ lớn đầu mùa, đã gây sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang, một số người hiện còn đang mất tích.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

UBND các tỉnh và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu...